Pháp Ngữ

Quả báo của nóng giận, tham lam, bỏn xẻn

Một tâm niệm sân giận khởi lên, trăm vạn cánh cửa chướng ngại mở ra. Xấu xí, tàn tật là hoa báo, địa ngục là quả báo, chẳng thể không biết.

Địa Tạng Bồ Tát dùng phương tiện gì để giáo hóa chúng sanh?

Nhược ngộ sân khuể giả, thuyết xú lậu lung tàn báo.

若遇瞋恚者。說醜陋癃殘報。

Nếu gặp kẻ nóng giận, thì nói rõ quả báo xấu xí, tàn tật.

Quả báo của ‘Sân khuể’ là ở địa ngục, những hiện tượng trong địa ngục, chúng ta xem ‘Địa Ngục Biến Tướng Đồ’ nói trong Phật pháp, sau đó coi những tôn giáo khác cũng có nói về Địa Ngục Biến Tướng Đồ. Tuy các tôn giáo khác chẳng nói về lục đạo, ít nhất họ cũng nói về tam đạo, họ nói về Thiên Đường, cõi người, và địa ngục. Tranh vẽ hình tượng trong địa ngục chẳng có thứ nào đẹp đẽ, hình trạng đều vô cùng kinh khủng, ‘xú lậu lung tàn’, đây là việc chúng ta phải nên cảnh giác.

‘Một tâm niệm sân giận khởi lên, trăm vạn cánh cửa chướng ngại mở ra’. Xấu xí, tàn tật là hoa báo, địa ngục là quả báo, chẳng thể không biết. Nếu tướng mạo chúng ta là xấu xí, tàn tật thì biết tâm sân giận nặng, tâm đố kỵ nặng. Nếu chúng ta có thể sửa đổi trở lại, phát tâm từ bi, có thể thương xót hết thảy chúng sanh, yêu mến bảo vệ hết thảy chúng sanh, lo lắng cho hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh thì tướng mạo sẽ thay đổi. Thế nên bạn tu hành có công phu hay chăng, chẳng xem gì khác chỉ xem tướng mạo của bạn.

Coi tướng mạo, thể chất của bạn ba năm trước và ba năm sau, tướng tùy tâm chuyển. Tâm địa của bạn thanh tịnh thì sẽ có tướng thanh tịnh; tâm địa từ bi thì sẽ có tướng từ bi; tâm địa trí huệ thì sẽ có tướng trí huệ; tâm địa ác độc thì sẽ có tướng ác độc, làm sao có thể gạt người được? Giả vờ cũng chẳng thể giả vờ được.

Người đời ưa thích đẹp phải đi sửa sắc đẹp, càng sửa thì càng xấu. Tôi đã thấy rất nhiều người sửa sắc đẹp, chưa sửa thì còn được, sau khi sửa rồi thì tướng mạo biến thành kỳ lạ, chẳng dễ nhìn tí nào. Tướng đó là gì? Là tướng giả, tâm chẳng chuyển. Thế nên phải biết tướng làm sao tạo nên, tạo được đẹp cách mấy, nếu tâm chẳng tốt thì tướng tốt đẹp cũng biến thành tướng xấu xí. Hiểu được đạo lý này thì hà tất phải đi sửa sắc đẹp để tốn tiền lãng nhách? Phải sửa đổi tâm, tâm đổi rồi thì tướng sẽ đổi theo.

Thân thể cũng chẳng cần tìm thuốc men, tẩm bổ gì cả, chẳng cần, tâm tốt rồi thì thân thể tự nhiên khỏe mạnh. Tôi chưa từng tìm ai đến đây giúp thân thể khỏe mạnh, trị liệu gì hết, chẳng bao giờ. Chưa từng ăn đồ tẩm bổ, người ta tặng cho tôi những thứ nhân sâm, sâm Cao Ly, vừa đến tay tôi liền chuyển đem cúng dường người khác, tôi chẳng dùng những thứ ấy, chẳng tiêm nhiễm bao giờ.

Phải ra sức từ trong tâm, chẳng cần chú trọng đến thân thể. Luôn luôn phải lo đến thân thể khỏe mạnh thì chư vị nghĩ coi, thân kiến của bạn chẳng thể phá, tâm niệm tự tư tự lợi của bạn chẳng dứt bỏ, bạn chấp trước thân tướng.

Kinh Kim Cang dạy chúng ta một nguyên tắc căn bản của sự tu hành: ‘Chẳng có tướng Ta, chẳng có tướng Người, chẳng có tướng Chúng Sanh, chẳng có tướng Thọ Giả’. Bạn có đầy đủ bốn tướng này, bạn còn chấp trước thì thân tâm của bạn làm sao thanh tịnh cho được? Thân tâm chẳng thanh tịnh thì thân thể của bạn làm sao khỏe mạnh? Chư vị nên biết khỏe mạnh nhất là phải trở về với tự nhiên, đại tự nhiên, vô tư, vô ngã. Thế nên kinh Kim Cang dạy phá Bốn Tướng này tức là trở về tự nhiên, tự nhiên thì khỏe mạnh nhất, tự nhiên thật sự là thân Kim Cang chẳng hư hoại.

Trong kinh nói đến thân kim sắc, ngày nay chúng ta đúc tượng đều thếp vàng, bạn nghĩ coi đẹp không? Nếu một người gương mặt có màu vàng khè như thếp vàng, người ấy sẽ là người quái gở, tôi nghĩ sẽ chẳng ai thích người ấy.

Vàng là để tiêu biểu pháp, trong hết thảy vật chất, tại sao vàng được người ta cho rằng quý báu như vậy? Vì vàng chẳng đổi màu sắc. Bởi vậy nên vàng tượng trưng cho sự bất biến, chẳng biến đổi thì là thật, biến đổi là giả. Chân tâm lìa niệm, đó gọi là vàng, màu vàng, kim sắc. Sự tiêu biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, chư vị đều đã xem qua, nói thế giới kim sắc sẽ chẳng biến đổi. Vọng tâm sẽ biến đổi, là giả. Thế nên vàng tượng trưng cho chẳng biến đổi, chẳng biến đổi là chân tâm, chẳng biến là nhất tâm, nhị tâm thì biến rồi.

Chúng ta nhất định phải hiểu ý nghĩa tiêu biểu pháp, không thể kẹt cứng trong văn tự, nếu kẹt như vậy thì sai lầm. Khi bạn muốn khuyên một người học Phật, họ nói: ‘Tôi chẳng muốn học Phật, học Phật rồi trên thân mình vàng khè, rất khó coi’, nhất định phải hiểu rõ nghĩa thú nói trong kinh, thật sự thì kinh Phật rất khó hiểu, khó ở chỗ ‘ý ở ngoài ngôn từ’, thế nên bạn phải biết cách nghe.

Kinh văn cũng vậy, ý ở ngoài văn tự chứ chẳng ở trong văn tự. Văn tự là để dẫn đường, trong Thiền Tông gọi là ‘chỉ mặt trăng’, rất có đạo lý. Đó là ‘chỉ’, bạn phải thuận theo hướng ngón tay chỉ này thì mới nhìn thấy chân tướng. Thế nên ý chẳng ở trong văn tự, chẳng ở trong ngôn từ, ý chẳng lìa văn tự, cũng chẳng lìa ngôn thuyết, được vậy thì bạn mới thể hội đến ý nghĩa chân thật.

Chân thật nghĩa là tự tánh, tự tánh vốn có đủ trí huệ, tự tánh vốn có đủ đức năng, đây là chân thật nghĩa mà Như Lai đã nói. Thế nên chân thật nghĩa cũng chẳng phải chân thật nghĩa của đức Phật Thích Ca, phải nói là Như Lai chân thật nghĩa, ‘Như Lai’ là tự tánh, là tên gọi của tánh đức, một trong mười hiệu của Phật, chẳng phải là một người.

Nhược ngộ xan lận giả, thuyết sở cầu vi nguyện báo.

若遇慳吝者。說所求違願報。

Nếu gặp kẻ bỏn xẻn thì nói rõ quả báo sở cầu không được toại nguyện.

Đây tức là ‘Khổ khi cầu chẳng được’ trong ‘Tám Khổ’. Tại sao họ cầu chẳng được? Bỏn xẻn, chẳng chịu thí xả, cầu gì cũng chẳng được. Năm tôi hai mươi sáu tuổi học Phật, lúc đó tôi tiếc là được nghe Phật pháp quá trễ, Phật pháp hoàn hảo như vậy, tại sao chẳng biết sớm hơn nữa?

Nói thật ra muốn làm cho tôi sanh lòng tin đối với Phật pháp là một việc quá khó, quá khó! Tôi đã kể cho quý vị rồi, lúc tôi còn trẻ cũng có chút thông minh, chút trí huệ, cũng có chút ít biện tài. Ai muốn thuyết phục tôi thật sự chẳng dễ, thời gian tôi còn đi học trong trường chưa từng gặp đối thủ. Chuyện ‘chết’ tôi có thể nói nó trở thành ‘sống’, tôi nói rất giỏi, chuyên môn tranh cãi, chuyên môn chống đối người ta, tôi sẽ nói ra một số lập luận. Thế nên có thể dạy cho tôi tin Phật, thuyết phục tôi đâu phải dễ!

Tôi gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ, ông thuyết phục tôi được. Đây là triết học gia đương thời của Trung Quốc, nổi tiếng khắp thế giới, chẳng thuộc hạng của quốc gia, là đại triết học gia cấp thế giới. Ngài giới thiệu Phật pháp cho tôi, tôi mới tin và có thể quay ngược thái độ của mình đối với Phật giáo một trăm tám mươi độ, sau đó vào chùa để tìm kinh coi.

Cũng nhờ có duyên sâu đậm, tôi tiếp xúc kinh Phật được cỡ một tháng thì quen biết đại sư Chương Gia, những nghi vấn khó hiểu gì trong kinh điển tôi đều nhờ Ngài giải đáp cho. Ngài vô cùng từ bi, mỗi tuần cho tôi hai giờ đồng hồ, tôi học hỏi theo Ngài hết ba năm, căn cơ Phật pháp của tôi được Ngài xây dựng. Ngài dạy tôi ba điều vô cùng quan trọng: Nhìn Thấu, Buông Xả, Bố Thí. Thế nên học Phật phải học theo ai?

Học theo người thầy mà trong tâm bạn kính phục nhất. Người này nói gì thì bạn đều phục tùng theo một trăm phần trăm, làm được một trăm phần trăm. Nếu bạn đối với thầy giáo chẳng tin tưởng, dù thầy giáo có giỏi hơn nữa, có đức độ lớn lao, có khả năng, có trí huệ lớn lao, nếu bạn theo họ thì cũng là luống công. Vì bạn chẳng tin tưởng họ, bạn chẳng thể làm theo những gì họ dạy. Thế nên ‘sư tư đạo hiệp’ (thầy trò đạo hợp) vô cùng quan trọng, thầy giáo thương mến học trò, học trò tôn kính thầy giáo, thầy giáo thật sự chịu dạy, học trò thật sự chịu học.

Những vị thầy tôi gặp trong đời đều do duyên tốt đã kết đời trước, thầy Phương dạy một mình tôi. Lần này tôi đến giảng kinh tại Hương Cảng, đôi lúc tôi cũng nhắc đến chuyện này. Viện trưởng thư viện Tân Á ở Hương Cảng lúc trước, ông Đường Quân Nghị, đây là một triết học gia cận đại và cũng là học trò của thầy Phương Đông Mỹ, chúng tôi là học trò cùng thầy nhưng khác thế hệ, ông có thành tựu kiệt xuất trong Triết Học, ông đã mất rồi. Đường Quân Nghị có lẽ lớn hơn tôi mười tuổi. Gặp những người này, trên con đường Bồ Đề chúng tôi mới được thuận buồm xuôi gió.

Khi gặp tôi, đại sư Chương Gia yêu mến, chăm sóc tôi rất tận tình, mỗi tuần cho tôi hai giờ, tôi muốn làm biếng cũng không được. Làm biếng không đi một lần, Ngài bèn gọi điện thoại, sai người đi kiếm coi tôi có bị bịnh không, cớ sao chẳng lại? Bạn xem sự nhiệt tình như vậy làm cho tôi không thể không đi, Ngài thật sự là chịu dạy. Thế nên tôi đối với ân đức của thầy giáo không bao giờ quên. Sau khi hai Ngài mất, tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi theo Ngài mười năm, thầy Lý vô cùng quan tâm, thương mến tôi.

‘Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng’ là lời đại sư Chương Gia dạy tôi. Ngài dạy lúc bạn cầu mà không được là vì bạn có chướng ngại, có nghiệp chướng. Tôi hỏi: Vậy thì phải làm sao? Sám hối, tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng tiêu trừ thì những gì bạn mong cầu đều sẽ hiện ra. Tôi cầu Thôn Di Đà, đã cầu suốt mười sáu năm, có nghiệp chướng chẳng thể hiện tiền, chắc là hiện nay nghiệp chướng đã tiêu hết rồi nên Thôn Di Đà bèn thành tựu, đã được thành tựu rồi. Bạn có nghiệp chướng thì không được, nhất định phải tiêu nghiệp chướng. Muốn tiêu nghiệp chướng thì phải làm thật sự, tâm hạnh của mình phải nhập cảnh giới Phật.

Chúng tôi biểu diễn trên giảng đài, chư vị đồng tu cần phải lắng nghe kỹ càng, các bạn sẽ có thể nghe ra được. Tôi đã giảng kinh Vô Lượng Thọ hết mười lần, lần này là lần thứ mười, đại khái đều có lưu lại băng thâu âm. Các bạn hãy nghe thử, lần nào cũng chẳng giống nhau. Chẳng phải là tôi có tài liệu chẳng chịu giảng, phải để dành đến lần sau mới giảng, chẳng phải vậy. Cảnh giới mỗi năm đều khác nhau, việc này nói rõ nghiệp chướng mỗi năm đều tiêu bớt đi một ít. Nếu nghiệp chướng chẳng tiêu bớt thì cảnh giới chẳng thể hiện ra.

Tôi chẳng phải là một người lợi căn, chỉ là một người căn tánh trung hạ, nghiệp chướng đang tiêu bớt từ từ, mỗi năm đều đang tiêu bớt nên cảnh giới mỗi năm đều chẳng giống nhau. Tự mình tôi biết được, người thường nghe tôi giảng cũng biết, họ có thể nghe biết được. Tôi giảng kinh chẳng có bút ký, chẳng ghi chép bài giảng. Tài liệu của cổ đức tôi có xem qua, tôi dành ra một số thời gian để xem kỹ càng, họ cung cấp cho tôi một số tài liệu tham khảo. Nhưng lúc giảng, tôi chẳng giảng y theo lời văn của họ.

Nếu y theo chú giải của họ để giảng thì sẽ chẳng khế cơ. Họ là người ở thời đại xa xưa, đối diện với thính chúng, quán chúng thời đó, còn tâm con người, xã hội hiện đại hoàn toàn khác biệt với lúc trước. Thế nên chúng ta đọc tài liệu của người xưa là nhằm khải phát trí huệ của mình, chỉ có thể tham khảo.

Chúng ta phải có khả năng quán sát căn cơ của đại chúng hiện nay, sau đó mới có thể làm được việc thuyết pháp ứng cơ, thật sự có thể giúp đỡ, đem lại thọ dụng thật sự cho họ. Hóa giải kiếp nạn, làm được xã hội hòa mục, an định, phồn vinh, người ta ai nấy đều có thể sống cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, đây là mục đích của sự học Phật hiện nay.

Trong nhà Phật đích thật là có cầu ắt ứng, cầu làm Phật còn được huống chi những thứ khác. Làm Phật là khó nhất, làm Phật cũng có thể cầu được thì những thứ vinh hoa phú quý trong thế gian đều là việc nhỏ nhoi như lông gà vỏ tỏi, đâu có lý nào mà cầu chẳng được! Chúng ta phải có lòng tin. Nếu bạn muốn có cầu ắt ứng thì chẳng có gì khác ngoài việc ‘tiêu nghiệp chướng’. Lời dạy này của đại sư Chương Gia, tôi ghi nhớ suốt đời, y giáo phụng hành.

Nhược ngộ ẩm thực vô độ giả, thuyết cơ khát yết bịnh báo.

若遇飲食無度者。說飢渴咽病報。

Nếu gặp kẻ ăn uống vô độ, thì dạy quả báo đói, khát, cổ họng đau đớn.

Câu này dễ hiểu, tham ăn. Hiện nay có rất nhiều bịnh quái gở trong xã hội lúc trước chưa từng nghe qua, bịnh từ đâu đến vậy? Ngạn ngữ nói rất hay: ‘Bịnh từ miệng vào, họa từ miệng ra’. Khẩu nghiệp kể phía trước, sẽ tạo ra họa hại, tai họa đều phát sanh từ khẩu nghiệp mà ra. Tật bịnh đều từ việc ăn uống, bịnh từ miệng vào.

Lần này tôi ở Hương Cảng, có một đồng tu nói với tôi, ông nói đây là chuyện có thật ở Hương Cảng. Đây là tin tức trong xã hội, mọi người đều biết.

Mấy năm trước có hai mẹ con người đó rất thích ăn đồ biển, mỗi ngày đến eo biển đều mua đồ sống, chẳng phải là họ tự mình bắt, họ mua đồ sống về tự nấu ăn. Đến già thì người mẹ này bị một bịnh kỳ lạ, khi phát bịnh thì nói: “Nước rất lớn, đi đến đâu cũng là cát bùn, cứ bò tới bò lui trong phòng, giống như đang trèo lên bờ”, giống như những loại hải sản vậy. Sau này lở loét trên khắp thân mình xong rồi chết đi. Sau khi người mẹ chết, người con gái cũng bị bịnh giống vậy, qua một thời gian chẳng có cách chi chữa khỏi nên đi khắp nơi cầu thần, coi bói, và gặp một vị pháp sư.

Pháp sư nói với cô: “Đây là quả báo cả đời cô sát sanh, ăn đồ biển sống”, phải mau sám hối, dạy cho cô phóng sanh, ăn chay. Lúc đó cô bèn làm theo nhưng chẳng kịp nữa, vẫn phải chết. Bạn bè thân quyến của cô thấy vậy nên đều ăn chay trường, chẳng dám ăn những đồ biển này nữa.

Đây là chuyện có thật, lúc chết giống như hình tướng những hải sản dưới biển vậy, quả báo rành rành hiện trước mắt cho bạn coi. Tuy là một tin tức trong xã hội, tôi thấy những tiệm bán hải sản ở Hương Cảng vẫn ngồi đầy khách, thật đúng là ‘ương ngạnh khó giáo hóa’.

Bồ Tát gặp những chuyện như vậy, hiện nay nên đem nó đóng thành phim điện ảnh, cho chiếu khắp nơi. Nên dán vài tấm nói rõ những quả báo này trong tiệm bán đồ biển, để cho mọi người xem, thật rất đáng sợ! Kiếp đao binh trong thế gian từ đâu đến? Chính là từ việc ăn thịt của chúng sanh đấy.

Hiện nay mọi người ai nấy đều chú trọng thân thể khỏe mạnh, muốn thân thể được khỏe mạnh thì tốt nhất là ăn chay, trong việc ăn chay tốt nhất là ăn rau cải sống. Hiện nay tôi ăn rau cải sống, đã ăn cả hai tháng nay nên mọi người thấy tôi rất ốm, đã ốm bớt đi. Tôi nói với họ thân thể chẳng khỏe, công việc giao tiếp quá nhiều, tốt nhất đừng kiếm chuyện gặp tôi. Nhưng trên thật tế là đang thay đổi đời sống, lần thứ nhất tôi thay đổi là lúc bắt đầu ăn chay trường, lúc đó thân thể ốm, đại khái hai ba năm sau đó thì thân thể khôi phục lại bình thường. Bây giờ làm một sự thay đổi lần thứ nhì, ăn rau cải sống, cả hơn hai tháng tôi chẳng ăn cơm, toàn ăn rau cải. Buổi sáng ăn một chén cháo, ăn hai cuộn rau, một chén canh. Hôm nay chúng ta có làm món này không? Nếu có làm, hãy mang vài cuộn, chúng ta đem đến phòng ăn mời lão hòa thượng dùng. Chẳng có dầu, chẳng có muối, hoàn toàn là rau cải sống. Tôi thường nghĩ, bạn coi bò, dê ăn cỏ, thân thể của nó cường tráng như vậy, chúng nó chẳng ăn dầu, muối, càng nghĩ càng có lý. Các bạn đồng tu giới thiệu cho tôi, sau khi ăn hơn hai tháng, ăn rất ngon lành, dễ chịu, đích thật có ích lợi.

Chúng ta phải chú ý việc ăn uống, đặc biệt là việc ăn uống hiện đại. Tâm người hiện đại chẳng tốt, những địa phương khác thì tôi không biết còn tình hình ở Đài Loan thì tôi biết, đồ ăn nuôi heo toàn là thuốc hóa học, thúc giục rút ngắn thời gian sanh trưởng của heo, làm cho heo lớn lên nhanh chóng, sau sáu tháng bèn giết lấy thịt. Cho nên trong thịt heo đều là các độc tố, chẳng bình thường. Nói thêm, hồi trước gia súc đều được nuôi bên ngoài, lúc chưa làm thịt thì đời sống của nó rất tự do, tự tại, tâm tình của chúng nó rất thoải mái vui vẻ.

Hiện nay những loài súc sanh này, vừa sanh ra liền bị nhốt trong lồng, cũng giống như ở tù vậy, bị tù chung thân mãi cho đến khi bị giết làm thịt. Bạn nói tâm tình của chúng nó như thế nào? Trong thịt của nó tràn đầy chất độc, người ta ăn vào làm sao không sanh bịnh cho được? Sanh ra những bịnh kỳ quái.

Hiện nay ăn chay cũng phiền phức, rau cải cũng có thuốc, nghe nói gạo cũng có chất hóa học gì trong đó nên hạt gạo trông rất đẹp đẽ, đều có độc tố, đúng như trong kinh có nói: ‘Uống khổ, ăn độc’, ngày nay chúng ta sống cuộc đời như thế đó. Nhà nông chúng ta ở Đài Loan, họ ăn rau cải tự mình trồng, tách rời với những rau cải dành để bán; họ nói rau cải dành để bán không ăn được, có chất độc, họ biết nên rau cải có chất độc thì bán cho người ta ăn. Gạo cũng vậy, gạo của họ ăn là gạo trồng riêng ra, còn gạo để bán là loại trồng riêng, đều tách rời ra. Họ bán những thức có độc này cho người khác, bản thân của họ cũng sẽ chẳng tránh khỏi bị chất độc làm hại, vì tâm họ chẳng thiện.

Ngày nay chúng ta cũng phải nói là có duyên, gặp được đồng tu giới thiệu mới biết xú dưỡng có thể hóa giải thuốc trừ sâu. Nên những rau cải chúng ta ăn hiện nay đều được xử lý bằng xú dưỡng, phân giải những chất có độc trong rau cải, cho nên đồ ăn sạch sẽ hơn đồ ở ngoài. Việc này có thể đẩy mạnh rộng rãi, tôi muốn tìm công xưởng chế tạo máy móc này, hy vọng nó có thể sản xuất hàng loạt, chúng ta tìm cách để giúp họ truyền bá, giới thiệu. Có thức ăn khang kiện, tâm lý thanh tịnh, tâm lý từ bi, thân tâm khỏe mạnh, chẳng có một pháp nào không phải là Phật pháp, pháp nào cũng đều là Phật pháp.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký tập 13

Bài viết liên quan

Ngày nay chỉ có tu học pháp môn Tịnh độ mới có thể thành tựu

Thiện Quang

Sinh mạng là vĩnh hằng, không phải chết rồi là xong

Thiện Quang

Thế giới Tây Phương Cực Lạc không đi không được

Thiện Quang

Vì sao pháp môn niệm Phật gọi là không sanh không diệt?

Thiện Quang

Làm sao để không bệnh, không phiền não, thọ mạng tự tại?

Thiện Quang

Tạo 10 ác nghiệp thì bạn phải nỗ lực cầu sám hối

Thiện Quang

Còn thấy lỗi của thế gian thì không phải là người tu đạo

Thiện Quang

Niệm Phật là pháp môn đệ nhất trong tất cả pháp môn

Thiện Quang

Chân thật thấu hiểu chân tướng của vũ trụ nhân sanh

Thiện Quang

Leave a Comment