Tùy ý phê bình, hủy báng Tam Bảo tạo nên tội nghiệp Vô Gián
Bạn tùy ý phê bình, hủy báng Tam Bảo tạo nên tội nghiệp Vô Gián, tạo tội này, đây đều là ngu mê, vô tri. Chúng ta phải hiểu rõ.
Phá hoại tín ngưỡng của người khác, phá hoại tâm nguyện của người khác, phá hoại sự tu học của người khác cũng bằng với tội phá hòa hợp tăng; tội này cũng rất nặng, chúng ta không thể không biết. Trong ấy cũng có vô ý và cố ý, phải biết chỗ khác nhau. Cố ý là ác ý, vô ý là chẳng hiểu rõ những lý luận, chân tướng sự thật này. Thí dụ như trong kinh thường nói đến ‘tự tán hủy tha’, tự mình tán thán pháp môn tu học của mình, cứ mặc tình hủy báng những pháp môn khác, cũng là tội nghiệp loại này. Hiện nay ở nhiều nơi trong thế gian chúng ta nghe nói những người tạo tội nghiệp, tạo những tội nghiệp này. Chúng ta nhất định phải hiểu: Phật, Bồ Tát thuyết pháp là ứng cơ mà thuyết, cho nên Phật pháp không có định pháp. Kinh Bát Nhã nói rất rõ ràng: “Không những Phật chẳng có định pháp có thể nói, Ngài cũng chẳng có pháp để nói”. Thậm chí nói đến rốt ráo, nếu có người nói Phật thuyết pháp tức là báng Phật.
Nói đến đây, chúng ta phải thâm nhập, thấu hiểu kỹ càng những lời khai thị này của Phật, từ đó bạn mới không tạo tội báng pháp nữa. Vì đó là ứng cơ ban cho sự giáo huấn. Căn tánh của tôi và căn tánh của bạn chẳng hoàn toàn tương đồng, nghĩa là cùng tu pháp môn Tịnh Ðộ, cùng niệm A Di Ðà Phật nhưng cũng chẳng giống nhau hoàn toàn. Nghĩa là như thế nào? Tôi thích truy đảnh niệm Phật: A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, .., niệm từng câu tiếp theo nhau thật nhanh. Người kia thích niệm chầm chậm, A .. Di .. Ðà .. Phật .., hai người này sẽ chẳng giống nhau, cả hai đều có thể vãng sanh. Người này nói cách niệm của mình chính xác, cách kia của bạn chắc chắn là sai, vậy thì chẳng phải là cãi lộn rồi sao? Chẳng giống nhau! Thế nên phải hiểu rõ đạo lý này. Cùng bịnh cảm, khi thầy thuốc ra toa đương nhiên phần lớn toa thuốc sẽ giống nhau nhưng có chút sai khác, sẽ có chỗ chẳng giống nhau. Bạn uống thuốc của bạn lành bịnh rồi, khi nhìn thấy toa thuốc của người kia có một vài vị khác, bạn bèn phê bình họ, sai rồi, thể chất của họ khác với thể chất của bạn. Cùng một toa thuốc, cùng một thầy thuốc, nhưng phân lượng cho tôi khác với lượng của bạn. Cho tôi dùng ba tiền, cho bạn thì bốn tiền, như vậy mà hai người phải đánh nhau sao? Rốt cuộc là ai đúng, ai sai? Vì thể chất chẳng giống nhau [nên mới có sự sai khác như thế]. Phật giảng kinh thuyết pháp độ chúng sanh cũng giống như vậy, do đó nếu bạn nói cái này đúng, cái kia sai thì bạn đã báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Tại sao? Hết thảy kinh đều do Phật nói ra, vậy là bạn báng Phật; bạn tùy tiện phê bình kinh điển, lấy bộ kinh này phê bình bộ kinh kia, lấy kinh kia phê bình kinh này, vậy là báng Pháp; người y chiếu kinh luận tu hành chứng quả là Tăng. Bạn tùy ý phê bình, hủy báng Tam Bảo tạo nên tội nghiệp Vô Gián, tạo tội này, đây đều là ngu mê, vô tri. Chúng ta phải hiểu rõ.
Các vị Tổ Sư đại đức, chúng ta thấy trong chú sớ của họ có phê bình, chúng ta dám học theo không? Chẳng dám, họ phê bình là có đối tượng, ứng theo căn cơ mà nói. Quý vị đã nghe các công án trong Tông Môn, Ngài Nam Tuyền chém mèo, bạn dám làm không? Bạn gặp mèo liền giết nó, gặp chó liền giết nó, bạn dám làm không? Ngài Ðan Hà có thể chẻ tượng Phật bằng gỗ ra để làm củi, bạn có thể làm như vậy không? Tại sao Ngài làm như vậy? Vì Ngài có người đương cơ, hành động này của Ngài có thể làm cho người đó khai ngộ, làm Phật, thế nên Ngài chẳng phạm tội. Nếu chúng ta chẻ tượng Phật ra để làm củi thì chúng ta sẽ phạm tội nặng ‘làm cho thân Phật ra máu’, Ngài Ðan Hà chẳng phạm tội. Ngài là nhân vật như thế nào, chúng ta làm sao dám làm những chuyện như vậy? Do đó nhất định phải hiểu rõ việc này. Lúc trước học Phật có đạo thầy trò, cũng như chúng ta học Phật có bảo đảm, giống như con nít hai ba tuổi có cha mẹ chăm sóc. Hiện nay học Phật chẳng có người chăm sóc, con nít hai ba tuổi làm chuyện gì, sống chết gì nó cũng chẳng biết, khi gặp nguy hiểm đến nỗi mất tánh mạng nó cũng chẳng biết. Hiện nay người học Phật chúng ta cũng giống như vậy, bạn nói có đáng sợ hay không!
Ðức Phật hiểu rõ tình trạng của chúng sanh trong thời Mạt pháp, biết sự khổ nạn của chúng sanh đời Mạt pháp cho nên từ bi đến cùng cực, đặc biệt dạy bảo chúng sanh đời Mạt pháp. Kinh Ðại Tập dạy chúng ta ‘Chúng sanh thời Mạt pháp thì Tịnh Ðộ thành tựu’, đây là một lời khai thị chính yếu, quan trọng. Chúng ta sanh vào thời Mạt pháp, chúng ta học Phật nên lựa chọn pháp môn nào, Phật nói ‘Tịnh thành tựu’, chúng ta chọn pháp môn Tịnh Ðộ, đây là tuân theo lời di giáo của đức Phật. Phật còn dạy ‘Tứ Y Pháp’ cho người đời sau, để chúng ta chẳng đến nỗi đi sai đường, chẳng có bạn lành chăm sóc, chúng ta tuân giữ Tứ Y Pháp thì tuyệt sẽ chẳng đi sai đường. Thứ nhất là ‘Y Pháp chẳng y Nhân’, Pháp là kinh điển, nhất định phải dùng kinh điển làm y cứ, kinh là do Phật nói ra.
Thứ hai là dạy chúng ta ‘y Nghĩa chẳng y Ngữ’, câu này vô cùng quan trọng! Tại sao? Tránh cho người đời sau tranh luận vì kinh điển. Phật biết kinh điển sẽ được lưu thông toàn thế giới, nhất định phải nhờ phiên dịch, cùng một bộ kinh, cùng một nguyên bản chữ Phạn, người dịch chẳng giống nhau, văn tự, câu văn, ý tứ trong đó đương nhiên sẽ có sai khác. Thí dụ ngày nay chúng ta coi dịch bản của kinh Kim Cang, trong Ðại Tạng Kinh có đến sáu bản dịch khác nhau cho kinh Kim Cang, bản hiện nay mọi người chọn là bản của Ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch. Nếu chư vị đối chiếu sáu bản dịch này, văn tự trong ấy chẳng giống nhau, ý tứ thì phần lớn giống nhau, có chút ít sai khác. Rốt cuộc là bản nào dịch đúng, chỗ nào dịch sai? Ðây không phải là phiền phức hay sao. Thế nên Phật dạy chúng ta ‘Y nghĩa không y lời nói (ngữ)’, như vậy mới được, ý tứ đúng là được rồi, lời nói thêm vài câu, ít đi vài câu chẳng sao. Phiên dịch dùng chữ này, dùng chữ kia cũng chẳng sao, chỉ cần ý nghĩa đúng là được, tránh khỏi rất nhiều tranh luận.
Ðặc biệt là kinh Vô Lượng Thọ, hiện nay có chín bản: Năm bản dịch gốc, ba bản hội tập, và một bản tiết hiệu (chọn lọc và tóm tắt) của Bành Tế Thanh. Nếu chúng ta hiểu được phải y theo nghĩa chứ không y theo ngữ thì sẽ chẳng xảy ra tranh luận, chẳng cần phải bám sát một bản nào. Sự tu học của chúng ta có thể kiên trì dùng một bản, nhưng đối với những bản khác nhất định cũng phải tôn trọng, tuyệt đối chẳng phê bình; chúng ta chẳng có tư cách để phê bình, chẳng có khả năng phê bình. Thế nên Tứ Y Pháp của Phật dạy quan trọng ghê lắm!
Thứ ba, đức Phật dạy chúng ta ‘y Liễu Nghĩa, chẳng y Bất Liễu Nghĩa’. Liễu nghĩa là gì? Ðời này nhất định có thể thành Phật, đây là liễu nghĩa rốt ráo. Mức thấp nhất cũng phải trong đời này siêu việt lục đạo luân hồi thì mới tính là liễu nghĩa. Nếu sự tu học của bạn trong đời này chẳng thể siêu việt tam giới lục đạo, vẫn phải luân hồi trong lục đạo, môn học của bạn chẳng liễu nghĩa. Bất luận tu được giỏi đến đâu, bạn chẳng thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, nói cách khác bạn chắc chắn không tránh khỏi quả báo tam đồ, đây là đạo lý nhất định, thế nên sẽ không có thành tựu. Muốn thoát ly lục đạo luân hồi, kinh luận Ðại Thừa và Tiểu Thừa đều cùng một đạo lý, đều phải đoạn Kiến Tư phiền não. Bạn có thể đoạn nổi không? Kiến Tư phiền não truy đến cội rễ thì phải theo một nguyên tắc: Phá ngã chấp; đối với pháp thế và xuất thế gian nếu bạn còn chấp trước như vậy thì phá nổi không? Không nổi! Ðây là điều chư vị đều rõ ràng cả rồi. Phá chấp trước thì bạn sẽ thoát khỏi tam giới; phá phân biệt thì bạn sẽ thoát khỏi thập pháp giới; đoạn sạch vọng tưởng thì bạn sẽ cứu cánh viên mãn thành Phật. Trong kinh điển Ðại Thừa đức Phật đã nói quá nhiều về đại đạo lý này. Phật nói bịnh căn của chúng ta là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chư vị thử nghĩ coi chúng ta có những thứ này không? Việc này không thể không hiểu rõ, nhất định phải y theo kinh Liễu Nghĩa.
Ngày nay nói về liễu nghĩa, không những là liễu nghĩa mà phải là liễu nghĩa rốt ráo. Kinh Vãng Sanh hiện nay tức là năm kinh, một luận của Tịnh Tông. Trong sáu bộ kinh luận này, cứ noi theo bộ nào cũng có thể thành công, đều có thể siêu việt tam giới, siêu việt thập pháp giới, vãng sanh Tây Phương Tịnh Ðộ, thật là chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng bạn y theo bất cứ bộ kinh nào đều phải đừng hoài nghi, hiện nay có người y theo kinh Vô Lượng Thọ, hoài nghi bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, người này thật thà niệm Phật có thể vãng sanh không? Có thể vãng sanh, sanh đến Biên Ðịa Nghi Thành. Ðây là việc nói trong kinh. Bạn phải chân niệm, chân chánh tin tưởng A Di Ðà Phật, thật sự tin tưởng Tịnh Ðộ, bạn còn hoài nghi bản hội tập của kinh này, thì bạn sẽ sanh đến Nghi Thành. Tại sao chúng ta lại làm chuyện như vậy? Bạn hoài nghi bản kinh này thì bạn đừng y theo là được rồi, bạn y theo một trong chín bản kinh cũng được. Thậm chí có thể nói không y theo kinh Vô Lượng Thọ, bạn y theo kinh A Di Ðà cũng được, kinh bản nhiều như vậy, y theo bất kỳ một bản nào cũng có thể vãng sanh. Nhưng đối với những kinh khác nhất định đừng hoài nghi để tránh khỏi phải đọa vào Biên Địa Nghi Thành, việc này có lợi ích to lớn đối với mình. Thế nhưng trong tâm người thông minh, có trí huệ, có phước đức hiểu rõ pháp môn niệm Phật của Tịnh Tông trong những năm gần đây tại sao có thể hoằng dương rộng rãi đến khắp thế giới, làm cho rất nhiều người sanh khởi lòng tin, phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, đó là do nhân duyên gì tạo thành vậy? Là do bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư tạo thành đấy, đây là sự thật.
Nếu chúng ta hiểu được sự thật này, nếu bạn hủy báng bản hội tập thì tội nghiệp mà bạn đã tạo chắc chắn sẽ là A Tỳ địa ngục, có thể tránh khỏi không? Niệm Phật có thể vãng sanh không? Không thể. Tại sao không thể? Nghiệp chướng, tập khí quá nặng. Tuy niệm A Di Ðà Phật nhưng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước một tơ hào cũng chẳng đoạn, lại còn phạm lỗi lầm nghiêm trọng là hủy báng Tam Bảo. Vậy thì phải đọa địa ngục trước, tội báo địa ngục chịu hết rồi thì khi ra khỏi địa ngục, gặp được duyên, trong A Lại Da thức vẫn còn hạt giống A Di Ðà Phật, lại bắt đầu niệm tiếp tục. Chuyện này nói ra chẳng kỳ lạ gì cả, trong đời quá khứ chúng ta đã từng làm qua, chúng ta đã từng đọa địa ngục, chịu tai nạn trong vô lượng kiếp, tội báo đó chịu hết rồi, đến đời này mới được thân người, gặp được pháp môn này. Nghĩ đến chuyện làm khờ dại lúc trước, chịu đựng những khổ nạn, trong lòng quá sợ. Bây giờ chúng ta đã tỉnh ngộ quay trở về, hiểu rõ rồi, sẽ không làm những chuyện khờ dại này nữa.
Do đó bất luận những người hủy báng tôi, sỉ nhục tôi, hãm hại tôi, thậm chí sát hại tôi, tôi cũng đều chắp tay tán thán, cảm ân mến đức, chẳng có một chút oán hận nào cả, tại sao vậy? Vì tôi hiểu được Tây Phương Cực Lạc thế giới là nơi những người tốt lành nhất tụ hội, tôi phải tập thành tiêu chuẩn tốt lành nhất thì mới đến được Tây Phương Cực Lạc thế giới, được đại chúng hoan nghinh. Chẳng có một tí ác ý nào cả. Ðối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật chỉ có một tâm ‘cảm ân mến đức’. Nếu bạn hỏi những người hãm hại mình, thậm chí sát hại mình có ân đức gì đối với mình mà phải cảm ân họ, báo đáp họ. Có ân đức đấy. Họ hủy báng, sỉ nhục, hãm hại cũng giống như thầy giáo ra bài thi vậy, họ ra bài cho mình thi, cửa ải này thông qua rồi, làm sao không có ân đức cho được? Nếu không có bài thi này, mình chẳng biết công phu của mình rốt cuộc đã đến giai đoạn nào? Chẳng thể biết được. Nếu hủy diệt mình, mình càng cảm tạ họ. Tại sao? Sớm một ngày đến Cực Lạc thế giới, họ đã đưa mình đi. Thế gian này quá khổ rồi, phước báo trí huệ của bạn quá lớn, đừng ở đây chịu khổ nữa, hãy đi mau. Vậy thì làm sao không có ân đức cho được? Chết sớm thì vãng sanh sớm, chết sớm thì hưởng phước sớm, ân đức đó quá lớn! Tội, phước, thiện, ác đều ở tại một niệm. Thế nên bạn có một niệm giác ngộ, đến đâu tu phước, có chỗ nào chẳng phải là nơi tu phước? Lúc nào không phải là lúc tu phước? Chuyện nào không phải là chuyện tu phước? Vấn đề là bạn giác ngộ hay không giác ngộ? Thế nên chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác đối với hết thảy chúng sanh chỉ có một tâm cảm ơn. Những Ðăng Ðịa đại Bồ Tát đều tri ân báo ân, cùng với quan niệm và tư tưởng của phàm phu chúng ta đích thật là chẳng giống nhau.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký tập 16