Vì sao dùng xưng tán Như Lai mà không dùng xưng tán chư Phật?
Xưng tán, bạn thấy dùng xưng tán Như Lai, không dùng xưng tán chư Phật. Từ dùng khác nhau đương nhiên ý nghĩa sẽ không giống nhau.
Nguyện Xưng Tán Như Lai
Xưng tán, bạn thấy dùng “xưng tán Như Lai”, không dùng “xưng tán chư Phật”. Từ dùng khác nhau đương nhiên ý nghĩa sẽ không giống nhau. Trên Kinh Phật, chuyển đổi danh từ có dụng ý đặc biệt của nó.
Chúng ta xem trong Kinh Kim Cang Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, ông chú giải được rất tường tận. Trên Kinh Kim Cang có lúc thì nói Chư Phật, có lúc thì nói Như Lai. Cư sĩ Giang nói với chúng ta, phàm hễ nói Chư Phật là từ trên tướng mà nói, từ nơi sự mà nói; phàm hễ gọi Như Lai đều là từ trên tánh mà nói. Kinh Kim Cang là như vậy, Kinh này chúng ta cũng không ngoại lệ, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm cũng là như vậy. Cho nên chúng ta phải thông hiểu “lễ kính chư Phật” là từ nơi sự tướng mà nói, trên sự tướng thì tất cả phải cung kính.
Nếu nói “xưng tán Như Lai” là từ nơi tánh đức mà nói, đó chính là nói rõ, tương ưng với tánh đức chính là thiện, chúng ta phải xưng tán; ác không nói thì tốt, không thể xưng tán, phải xưng tán cái thiện.
Thế nhưng lễ kính thì người thiện chúng ta lễ kính, người ác cũng phải lễ kính. Không thể nói người thiện ta tôn kính họ, người ác thì ta không tôn kính họ, vậy thì bạn sai rồi. Người ác tôn kính họ mà không tán thán họ, người thiện thì tôn kính họ cũng tán thán họ, khác biệt ở ngay chỗ này. Cái tâm cung kính đó nhất định không có khác biệt, nhất định là bình đẳng. Việc xưng tán này nhất định tương ưng với tánh đức, khen cái thiện của người, chúng ta từ ngay đó mà học.
Thế gian tất cả chúng sanh, nếu như nói họ ngay trong một đời đều đang làm ác, chưa từng làm qua một việc tốt nào thì tôi không tin, Phật cũng không tin, các vị mọi người cũng sẽ không tin.
Tất cả chúng sanh ở thế gian này, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm thiện, ác lẫn lộn. Thế nhưng chính là chúng sanh thời nay nghiệp chướng tập khí sâu nặng, đã làm ra ác nhiều, lành ít. Nếu như có thể chuyển biến lại, chúng ta làm thiện nhiều, ác ít thì toàn phong khí xã hội đều sẽ chuyển biến.
Chúng ta tán dương thiện, không nói ác, làm cho những người làm ác đó thời gian lâu rồi họ sẽ giác ngộ, họ sẽ phản tỉnh, sanh tâm hổ thẹn. Người ác cũng có lương tâm, không thể nói họ không có lương tâm. “Ta tạo ra rất nhiều việc ác, mọi người đều không nói, mọi người đều có thể bao dung. Ta làm một chút việc thiện nhỏ như vậy mà mọi người đều tán thán”, cho nên họ liền sẽ hồi tâm chuyển ý, họ liền sẽ ít làm ác, làm thiện nhiều. Nếu như chúng ta không tán thán cái thiện của người khác, ác nhỏ của người ta, chúng ta làm ầm ĩ lên thì sẽ sanh ra hiệu quả ngược lại, sẽ làm cho người ta sanh tâm hối hận đã làm việc tốt, “làm việc tốt, có gì tốt đâu? Có người nào biết đâu, có ai khen ngợi ta đâu? Còn làm ra một chút việc ác thì thiên hạ đều biết”, làm cho những người có ý niệm muốn làm thiện sẽ mất đi ý niệm thiện này.
Bạn thấy trên thế giới người ta đều làm ác, biến thành cái gì? Biến thành cái thấy sai lầm là “làm ác là đương nhiên, làm ác là hợp thời”. Cái thấy sai này, cái hiểu lầm này thì thật đáng sợ, dẫn dắt người toàn thế gian bỏ đi ý niệm thiện, tăng trưởng ý niệm ác, không chịu tu thiện, liều mạng để làm ác, mang đến tai nạn lớn cho xã hội này, mang đến thống khổ vô cùng cho tất cả chúng sanh.
Truy cứu nguyên nhân căn bản của nó chính là ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, lời nói không cẩn trọng, tạo thành ra hậu quả, tạo thành ra tai nạn. Phật đối với việc này ở trong tất cả Kinh luận đã nói ra rất nhiều, rất nhiều. Chúng ta không lưu ý, không hề tỉ mỉ mà quan sát, không hề cố gắng học tập.
Nguyện “xưng tán Như Lai” này Phật đặc biệt ở trong Năm Mươi Ba Đồng Tham làm ra cho chúng ta xem một tấm gương. Năm Mươi Ba Tham rốt cuộc là như thế nào vậy? Chúng ta phải tường tận.
Phật ở trong chương sau cùng của Hoa Nghiêm nêu ra Thiện Tài Đồng Tử, làm thành một tấm gương tu học Đại thừa. Chúng ta tu hành, tu học Đại thừa, cũng chính là nói đại tâm phàm phu. Người như thế nào là đại tâm phàm phu? Thiện Tài Đồng Tử là đại tâm phàm phu mẫu mực. Ngài gặp được Phật pháp, hoan hỉ, tín thọ, lễ Bồ Tát Văn Thù làm thầy.
Có lẽ các vị nghe được rồi thì nghĩ: “Oh! Thiện Tài gặp vận may, rất may mắn, gặp được Bồ Tát Văn Thù, một thầy giáo tốt đến như vậy, chúng ta đến nơi đâu để tìm được thiện tri thức?”.
Bạn đều không biết được Bồ Tát Văn Thù ở ngay trước mặt bạn mà bạn không nhận biết. Ai là Bồ Tát Văn Thù? Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh chính là Bồ Tát Văn Thù. Văn Thù biểu thị trí tuệ, trong Kinh này tràn đầy trí tuệ viên mãn. Bạn y theo bộ Kinh này mà tu học thì bạn chính là thân cận Bồ Tát Văn Thù, bạn chính là học trò của Bồ Tát Văn Thù. Sau khi học rồi thì lập tức ứng dụng, đó chính là tham học. Cho nên, ở trong hội của Bồ Tát Văn Thù thành tựu được căn bản trí. Sau đó, Bồ Tát Văn Thù khuyên bảo Ngài đi tham học. Tham học biểu thị cái gì? Làm thế nào đem cái chính mình đã học thực tiễn ngay trong đời sống.
Năm mươi ba vị thiện tri thức này đều là Bồ Tát, không một ai là phàm phu. Năm mươi ba vị thiện tri thức thị hiện ra tướng nam nữ, già trẻ, các ngành các nghề, cũng giống y như đời sống của chúng ta vậy. Chúng ta từ sớm đến tối, tiếp xúc với tất cả mọi người, tất cả việc, tất cả vật, đó chính là Năm Mươi Ba Tham.
Tất cả mọi người, tất cả việc, tất cả vật mà bạn tiếp xúc qua thảy đều là hóa thân của chư Phật Như Lai, có phải vậy không? Chính là như vậy, một chút cũng không giả. Vì sao vậy? Cảnh tùy tâm chuyển. Bạn phải biết rằng, ngoài chính ta ra, bao gồm tất cả chúng sanh tình dữ vô tình đều là chư Phật Như Lai biến hóa độ ta. Đây là trên “Kinh Hoa Nghiêm” Phật dạy cho chúng ta làm thế nào tu hành chứng quả, một đời viên mãn thành Phật.
Ngoài chính mình ra, thảy đều là chư Phật Như Lai, điều này nhất định là chân thật, tuyệt đối không phải là giả. Người thiện là Phật biến hiện, người ác cũng là Phật biến hiện, thuận cảnh là Phật biến hiện, ác cảnh cũng là Phật biến hiện ra, để chúng ta ở ngay trong đó mà tôi luyện, trải sự luyện tâm. Trải qua các cảnh giới này để luyện tâm thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi của chính mình.
Ta tôi luyện ở ngay trong đó, đây gọi là thật tu hành, thật công phu, đó là mô phạm của tu hành, tấm gương cho người tu hành. Cho nên, Thiện Tài nhất định không có bạn học, nếu có một bạn học thì cả đời Ngài không thể thành Phật, vì sao vậy? Không thể làm được “lễ kính tán thán”. “Anh là bạn học của tôi, hai đứa mình là gần bằng nhau, tôi không cần phải cung kính với bạn”.
Bạn thấy, ở trong tánh đức của bạn đã thiếu đi một phần, tánh đức của bạn không viên mãn. Tất cả cung kính, còn có một cái không cung kính thì bạn làm sao có thể thành tựu? Không nên cho rằng chỉ một điểm nhỏ này không hề gì, ta đối với tất cả đều cung kính, chỉ không cung kính đối với một người, đại khái sẽ không có vấn đề gì đâu. Một mê thì tất cả mê, một giác thì tất cả giác, cho nên tất cả phải cung kính, một cái cũng không được bỏ. Thị hiện của Thiện Tài trên đạo Bồ Đề là “chỉ có một mình ta là học trò, ngoài chính mình ra thì đều là Phật, đều là Bồ Tát, đều là thiện tri thức”. Chúng ta phải có cái thấy như vậy, phải dụng tâm như vậy thì đúng.
Những thiện tri thức này cũng giống y như trong xã hội chúng ta vậy. Có biểu hiện tâm thiện, làm thiện, thì Thiện Tài Đồng Tử lễ kính tán thán, cũng chính là chúng ta làm người học trò “lễ kính tán thán”. Có người biểu hiện tâm bất thiện, việc làm bất thiện, biểu hiện ra cảnh giới ác, nghịch cảnh, thì người học trò, người tu học chúng ta cũng có lễ kính đối với họ, nhưng không có tán thán.
Thực tế mà nói, “kính” ý là ở trong tâm, “tán thán” là khẩu nghiệp. Vì sao khẩu không tán thán ác? Tán thán ác thì sẽ dẫn dắt xã hội này làm ác, họ cho rằng làm ác vẫn không tệ, ác có thể làm. Bạn thấy người tu hành đều tán thán, vậy thì còn gì bằng không? Cho nên ác thì không tán thán. Ở trong Kinh văn có rất nhiều vị đại biểu ra như vậy.
Thắng Nhiệt Bà La Môn đại biểu ngu si. Bạn thấy Thiện Tài đi tham vấn ông, có lễ kính cũng như là thấy được thiện tri thức, đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, nhưng không hề có lời tán thán. Cam Lồ Hỏa Vương đại biểu sân hận, tánh tình rất không tốt, rất dễ dàng tức giận, không luận là người nào, chỉ cần hơi đắc tội với ông thì tâm báo thù liền nổi lên vô cùng mãnh liệt. Thiện Tài Đồng Tử tham vấn cũng là đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, không hề tán thán. Vị thứ ba là Phạt Tô Mật Đa Nữ, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là kỹ nữ, biểu thị cái gì? Biểu thị tham dâm. Thiện Tài Đồng Tử đến tham vấn cũng là đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, không hề tán thán.
Việc này nói với chúng ta, tiêu chuẩn tán thán là tánh đức Như Lai, bạn tu giới-đinh-huệ thì tán thán bạn, bạn tu tham-sân-si thì không tán thán. Bồ Tát vì sao phải biểu hiện ra điều này? Ở trong xã hội hiện thực có. Bồ Tát biểu hiện chính là xã hội hiện thực, đó là nói với chúng ta, xã hội hiện thực thiện, mặt chánh, có ảnh hưởng tốt với mọi người thì tán thán; mặt trái có ảnh hưởng không tốt đối với xã hội thì không nói, một câu cũng không nói, không tán thán.
Nhưng vì sao còn phải tham vấn? Tham vấn có thể học được rất nhiều thứ! Sự việc tốt thì chúng ta phải học tập, những việc không tốt thì chúng ta phải phản tỉnh kiểm điểm, nếu như chính ta có cái lỗi lầm này thì phải thay đổi tự làm mới, cho nên người thiện, người ác đều là thầy giáo tốt.
Khi tôi còn trẻ đi học, thành thật mà nói, tôi có rất nhiều cách thấy, cách nhìn không hề giống với các bạn, ngay đến thầy giáo cũng không hề giống. Có một lần lên lớp (khi đó tôi mười mấy tuổi), trong một bài văn giảng đến Nhạc Phi “tinh trung báo quốc”, nói đến Nhạc Phi thì đương nhiên nói đến Tần Cối, ai mà không tán thán Nhạc Phi, ai mà không mắng Tần Cối.
Quan niệm của tôi không hề giống mọi người, tôi nói: “Tần Cối cũng không tệ, anh hùng của dân tộc”. Mọi người trợn mắt nhìn tôi, nói: “Chú là người có đầu óc làm phản, làm sao mà chú có thể có cách nghĩ này?”. Sau đó tôi nói ra cách thấy của tôi.
Vì sao hai người đều là anh hùng, đều rất cừ khôi, đều đáng được chúng ta tôn kính? Nhạc Phi dạy chúng ta mặt chánh, phải tinh trung báo quốc, tuy là không may bị hãm hại chết, thế nhưng trung nghĩa của ông, mẫu mực tốt của ông mãi lưu lại đời sau, khi nhắc đến ai mà không nghiêng mình tôn kính. Chúng ta phải học tập với ông, phải bắt chước ông. Còn Tần Cối vì sao cũng là anh hùng dân tộc? Ông dạy chúng ta mặt trái, dạy cho chúng ta ông đã làm việc sai, hãm hại trung lương, bạn thấy người đời sau nhắc đến Tần Cối ai mà không mắng ông. Tần Cối dạy chúng ta không nên làm việc xấu, làm việc xấu sẽ có kết cuộc như ông ấy vậy, ông hiện thân nói pháp cho chúng ta thấy, đó là việc tốt, không phải là việc xấu. Chúng ta xem thấy Tần Cối thì nhất định không dám làm việc xấu, nhìn thấy Nhạc Phi thì chúng ta phải làm việc tốt, hai người đều là thầy giáo, một người là dạy ta mặt chánh, một người là dạy ta mặt trái, hai người đều là thầy giáo tốt. Tôi có thể nói ra một tràng đạo lý này.
Năm mươi ba vị đồng tham đích thực là như vậy, cho nên chúng ta xem thấy người ác, xem thấy việc ác phải phản tỉnh chúng ta có hay không? Có thì lập tức phải sửa, không có thì phải cảnh giác, quyết định không thể làm. Cho nên năm mươi ba vị thiện tri thức là năm mươi ba vị Phật thị hiện, thiện-ác, thuận-nghịch thảy đều có. Đây chính là xã hội hiện tại của chúng ta, chúng ta từ sớm đến tối tiếp xúc tất cả người, tất cả việc, tất cả vật chính là năm mươi ba tham.
Nếu như bạn chân thật học Phật, chân thật tu học Đại thừa, chân thật cầu sanh Tịnh Độ, làm học trò của A Di Đà Phật, thì bạn nên biết phải học như thế nào. Đối với người thiện thì chúng ta cung kính, tán thán; đối với người ác thì chúng ta cung kính, nhưng không tán thán; học tập với người thiện thì học tập thiện hạnh của họ; với người ác thì chúng ta cũng phải học tập họ, học tập quyết không thể phạm phải lỗi lầm đó của họ. Chúng ta biết được họ sai rồi, chúng ta nhất định không phạm phải sai lầm của họ. Cho nên, khi xem thấy người ác, việc ác thì như cổ thánh tiên hiền dạy bảo chúng ta, chúng ta phải nỗ lực phản tỉnh, “có lỗi thì sửa, không có lỗi thì khích lệ”.
Nếu như chúng ta có lỗi lầm này thì phải mau sửa đổi lại, nếu không có thì khích lệ chính mình không nên phạm những lỗi lầm này. Do đây có thể biết, quần chúng xã hội rộng lớn này đều là thầy giáo của chúng ta, đều là điển hình của chúng ta, đều là mô phạm của chúng ta, đều là đại ân đại đức của chúng ta, thành tựu công đức viên mãn của chúng ta.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 11-12