4 loại ma chướng
Ma chướng và nghiệp chướng là cùng một việc. Thế nào là ma? Trước tiên chúng ta phải nhận thức được nó thì sẽ có phương pháp hàng phục nó.
“Dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán”.
(Đem sức định huệ hàng phục ma oán).
Đây là tướng thứ năm hàng ma. Câu này ý nói tâm của đồng tu chúng ta thường không buông xả được, gọi là ma chướng, nghiệp chướng. Ma chướng và nghiệp chướng là cùng một việc. Thế nào là ma? Trước tiên chúng ta phải nhận thức được nó thì sẽ có phương pháp hàng phục nó. Nếu không nhận thức được nó thì chúng ta không cách gì đối phó được nó. Kinh Lăng-nghiêm có một tỉ dụ: Ví dụ chúng ta muốn bắt kẻ trộm thì bạn phải nhận biết nó, bạn mới có thể bắt được nó. Nếu không nhận biết được nó thì bạn đến chỗ nào để bắt nó? Tỉ dụ này rất hay. Như vậy ma là gì? Kinh Bát Đại Nhân Giác nói rất rõ ràng, rất minh bạch: Ma có bốn loại, chúng ta không thể không biết.
Thứ nhất là ngũ ấm ma, thân thể này của chúng ta là thân ngũ ấm. Ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất, nhục thân này của chúng ta gọi là sắc thân. Thọ, tưởng, hành, thức là tâm, cùng với tác dụng của tâm lý. Con người của chúng ta là do ngũ ấm kết hợp thành, bản thân của ngũ ấm chính là ma. Bạn xem thân này phiền phức biết mấy. Nếu không liễu sanh tử thì bạn làm sao thoát được ngũ ấm ma? Bồ-tát tu hành, trên con đường Bồ-đề có biết bao chướng nạn, căn nguyên đều là ngũ ấm. Trong kinh Lăng-nghiêm nói có năm mươi loại ấm ma, năm mươi loại lớn, năm mươi loại lớn này chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong mỗi ấm có mười loại, mười loại lớn, năm mươi loại ấm ma cho thấy ngũ ấm quả thật là cội nguồn của ma oán. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Loại thứ hai là phiền não ma: Tham sân si mạn, những thứ này dày vò chúng ta. Ma nghĩa là dày vò, khiến thân tâm chúng ta không được thanh tịnh, không được tự tại, cái này rất khổ. Thứ ba là thiên ma: Loại này ở bên ngoài. Chúng ta gọi là hoàn cảnh bên ngoài, không phải từ nơi bản thân. Ngũ ấm, phiền não đều là tự thân, đều là từ bản thân mình. Không thuộc về hai loại này mà thuộc về sự chướng ngại ở bên ngoài thì gọi là thiên ma. Đây là chướng ngại của hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất ở bên ngoài. Thứ tư là tử ma: Con người không thể sống mãi trên thế gian, con người sẽ phải chết, chúng ta là người học Phật thì không nên kiêng kỵ. Người thế gian sợ chết, nghe đến chết thì không vui, rất không muốn. Chúng ta là người học Phật biết được có sanh tất có tử, chết là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, thọ mạng ngắn ngủi, công phu tu hành của chúng ta chưa thành tựu thì đã phải chết rồi, như vậy sự tu trì của kiếp này thật là vô cùng đáng tiếc, tu chưa xong mà. Cho dù được luân hồi trở lại thì vẫn bị cái “mê cách ấm”. Sự việc của kiếp trước đã quên sạch sẽ, cho dù gặp được thiện duyên, gặp được thiện tri thức tốt thì vẫn phải tu lại từ đầu. Mỗi vị đồng tu ngồi đây đều là người tái lai, đều là người trở lại trong kiếp quá khứ, đều đã từng tu trong đời trước cũng tu rất khá, thế mà vừa luân hồi đến kiếp này nghĩ xem như thế nào? Chúng ta sẽ hiểu rõ cái chết quả thật dày vò chúng ta. Nếu không chết thì sự tu học của chúng ta đã sớm thành tựu rồi.
Thế giới này có sanh tử luân hồi cho nên vô cùng rắc rối, chúng ta có thể tìm đến một nơi không có tử ma không? Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đến nơi đó thì mọi người đều là vô lượng thọ, hoàn cảnh này tốt lắm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều không có bốn thứ ma chướng này, còn thế giới này của chúng ta thì không một ai có thể tránh khỏi.
“Oán” là oán gia, thứ này vô cùng rắc rối. Oán gia là gì? Những chúng sanh mà chúng ta đã sát hại đến đòi mạng trả thù. Chúng ta chiếm lợi ích của người khác, thiếu nợ thì phải đòi nợ, thiếu mạng thì phải đền mạng, thiếu nợ thì phải trả nợ, đây là oán gia trái chủ. Vào năm 1979, tôi ở Hồng Kông, giảng Kinh Lăng-nghiêm tại giảng đường Quang Minh. Giảng đường Quang Minh là do lão Hòa Thượng Thọ Dã xây dựng. Trên giảng đường Ngài có treo một bộ đối liễn, tôi xem thấy rất cảm động. Câu trên viết: “Phu thê thị duyên, hữu thiện duyên, hữu ác duyên, oan oan tương báo” (vợ chồng là duyên, có thiện duyên, có ác duyên, oan oan tương báo). Câu dưới viết: “Nhi nữ thị trái, hữu thảo trái, hữu hoàn trái, vô trái bất lai” (con cái là nợ, có đòi nợ, có trả nợ, không nợ không đến). Ngài nói rất đúng, không sai chút nào cả. Chân tướng sự thật trong quan hệ giữa người và người trong thế gian là gì? Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, là làm những việc này, đây chính là oán. Chúng ta thật sự nhìn thấu việc thế gian rồi là tu định, tu huệ. Nhìn thấu là huệ, như như bất động là định, nhìn thấu sự việc rồi mới có thể hàng phục ma oán, nhất định phải nhìn thấu, phải buông xuống, nhìn thấu là huệ, buông xuống là định, vậy thì ma oán sẽ không quấy nhiễu bạn nữa. Cho nên nhất định phải có định huệ lực, không có định lực, không có trí huệ thì không thể nhìn thấu, không thể buông xuống. Từ sáng đến tối, từ mùng một đầu năm đến ba mươi cuối năm, bạn làm sao có thể thoát khỏi bàn tay của ma chứ? Đây là điều chúng ta cần phải giác ngộ, cần phải hiểu rõ.
Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Giảng năm 1994
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 4