Chúng ta nhờ vào cái gì được Phật lực gia trì?
Chúng ta nhờ vào cái gì được Phật lực gia trì? Xin nói với các vị, chính là một lòng cung kính. Lòng cung kính này là năng cảm, chư Phật Bồ Tát liền có ứng.
Vào thời nhà Đường, Ngài Thanh Lương hoàn thành phiên dịch Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi hoàn thành chú giải của Kinh Hoa Nghiêm, Quốc sư Ngài đặc biệt đem quyển sau cùng của Kinh Hoa Nghiêm đưa ra lưu thông riêng biệt. Quyển này gọi là “Biệt Hành Lưu Thông Bản”, chính là Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm mà hiện tại các vị thường thấy. Quyển Kinh này là Hoa Nghiêm Bốn Mươi, cũng chính là một quyển sau cùng trong phẩm Nhập Pháp Giới, là tổng kết của Kinh Hoa Nghiêm, cũng là tổng cương lĩnh của Kinh Hoa Nghiêm, chỗ quay về sau cùng. Nội dung của Kinh văn là “Mười đại nguyện vương quy về Cực Lạc”. Bồ Tát Phổ Hiền tổng hợp toàn Kinh quy nạp làm thành mười cương lĩnh. Mười cương lĩnh này là Bồ Tát Phổ Hiền đã tu.
Có lẽ có một số đồng tu nghe được là Bồ Tát Phổ Hiền đã tu đại khái cho là không liên quan gì với chúng ta, chúng ta không phải là Bồ Tát Phổ Hiền. Học Phật như vậy sẽ rất khó có thành tựu. Chúng ta cần phải có thể nhận biết, tất cả Bồ Tát trong Phật pháp đã nói đều là chính mình, tất cả chư Phật Như Lai đã nói cũng là chính mình. Đức hiệu của chư Phật Như Lai là tánh đức của chính chúng ta. Danh hiệu của tất cả chư Phật Bồ Tát là tu đức của chính chúng ta.
Tánh-Tu không hai, đó là chỗ mà Phật pháp cùng với thế xuất thế gian tất cả pháp không giống nhau. Chúng ta có thể thấu hiểu, khẳng định, thì ở ngay trong Phật pháp mới có thể mau chóng, ổn định, được lợi ích chân thật. Đây là chân thật, không hề giả.
Bồ Tát Phổ Hiền là ai? Phải biết chính là bản thân chúng ta. Nếu chúng ta có thể tuân theo, chăm chỉ phụng hành như trên Kinh điển đã nói, từ tư tưởng kiến giải, lời nói, việc làm, rất nhiều hành vi của chính chúng ta mỗi mỗi đều phải đối chiếu với Kinh điển, so sánh thử xem.
Nếu như hành vi việc làm của chúng ta giống y như trên Kinh đã nói, đó là tương ưng. Nếu như không giống như những gì đã nói, thì chúng ta nhất định phải lấy Kinh điển làm tiêu chuẩn để tu sửa lại những hành vi sai lầm của chính mình, đó gọi là tu hành. Y theo bổn Kinh để tu hành, xin nói với các vị, chính là y theo tiêu chuẩn của A Di Đà Phật, y theo tiêu chuẩn của Bồ Tát Phổ Hiền. A Di Đà Phật là Phật trung chi vương, Bồ Tát Phổ Hiền có thể nói là Bồ Tát trung chi vương.
Bạn thấy trong rất nhiều sám nghi chúng ta đều đọc “Nam Mô Phổ Hiền Vương Bồ Tát”, Ngài là vua trong các Bồ Tát. Trong hàng Bồ Tát, không ai có thể thù thắng hơn Ngài Phổ Hiền. Trong các chư Phật, không có Phật nào thù thắng hơn so với A Di Đà Phật. Trong bộ Kinh này, vua trong các Phật, vua trong các Bồ Tát thảy đều đầy đủ.
Chúng ta gặp được bộ Kinh này, Phật đã nói ở trên Kinh là “như nghèo được của báu”, đích thực là có loại tâm trạng này, chân thật là như nghèo được của báu. Bạn nói xem loại vui thú này thật không cách gì hình dung. Đạt được rồi thì nhất định phải lý giải cho thấu triệt, sau đó phải y giáo phụng hành, chúng ta phải làm được một cách triệt để.
Chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ lễ kính. Lễ kính là khai hiển ngay trong tánh đức của chính chúng ta. Chúng ta có thể tu lễ kính, đó là lưu xuất của tánh đức. Đại đức xưa thường nói: “Khởi tu từ tánh”, đây chính là từ tánh khởi tu. Cách tu học này có thể cảm ứng tương thông cùng với mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ Tát. Vì sao vậy? Chư Phật Bồ Tát là khởi tu từ tánh, ngày nay chúng ta cũng là khởi tu từ tánh, vậy thì tự nhiên liền khởi lên cảm ứng.
Do đây có thể biết, chúng ta vừa phát tâm, phát ra tâm chân thành để tu hành là năng cảm; chư Phật Bồ Tát pháp vốn năng ứng, nguyên do cảm ứng chính ngay chỗ này. Cho nên Ấn Quang Đại Sư nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích”, cũng có thể nói cách nói như vậy. Một phần thành kính được chư Phật Như Lai gia trì một phần, mười phần thành kính thì được chư Phật Như Lai gia trì mười phần.
Các vị ở một đạo tràng, giờ nào, lúc nào, cảm thọ của các vị ở nơi đây cùng với cảm thọ ngay trong cuộc sống thường ngày không như nhau. Cảm thọ ở nơi đây có pháp hỉ, thanh tịnh, vui mừng. Cho nên có đồng tu đến nói với tôi, chúng ta bước vào giảng đường để nghe Kinh là hưởng thụ. Lời nói này có phải thật không? Là thật!
Vì sao bạn có hai giờ đồng hồ ở nơi đây hưởng thụ, mà loại hưởng thụ này bạn ở nơi khác thì không có được? Việc hưởng thụ này từ đâu mà có? Xin nói với các vị, nhờ ánh sáng Phật chiếu vào. Đạo tràng này của chúng ta là nhờ ánh sáng Phật chiếu vào, mọi người ở nơi đây tắm mình trong ánh sáng Phật. Sự việc chính là như vậy.
Có một năm, tôi ở Miami – Hoa Kỳ giảng Kinh. Có một số người nước ngoài mỗi lần tôi giảng Kinh họ đều đến, họ đều ngồi ngay nơi đó, nhắm nghiền đôi mắt. Bởi vì ở nước ngoài có một số nơi không có ghế để ngồi, đều là ngồi ở trên thảm. Họ ngồi xếp bằng nhắm nghiền đôi mắt, họ cũng không hiểu tiếng Trung Quốc, tôi nói cái gì họ cũng đều không hiểu, cho nên có đồng tu hỏi họ: “Bạn có hiểu không?”. Họ nói: “Không hiểu!”. “Nghe không hiểu, vì sao bạn mỗi ngày đều đến?”. Họ nói: “Oh, cảm thụ nơi đây rất tốt!”. Họ đến để hưởng thụ. Họ xếp bằng ngồi ở đó là để hưởng thụ.
Người nước ngoài nói: “Từ trường này khác biệt, cảm thụ đối với người rất là thoải mái”. Trong đó còn có một số người có công năng đặc biệt, ở trong Phật pháp chúng ta gọi là có thần thông, có thiên nhãn thông. Họ nói với những người ở bên cạnh: “Có ánh sáng Phật chiếu vào”. Khi đạo tràng giảng Kinh thì có Phật quang gia trì. Cho nên ngồi ở nơi đây, mỗi người đều có thể sanh tâm hoan hỉ, đạo lý chính ngay chỗ này. Không phải tôi giảng được hay, tôi giảng không được hay, mà là nhờ Phật lực gia trì.
Chúng ta nhờ vào cái gì được Phật lực gia trì? Xin nói với các vị, chính là một lòng cung kính. Lòng cung kính này là năng cảm, chư Phật Bồ Tát liền có ứng. Cho nên các vị nhất định phải nên biết, thế gian pháp dạy người thứ nhất là thành thật. Chúng ta cả đời làm người, thành thành khẩn khẩn, trung thực, thật thà.
Dáng vẻ thành thật là thế nào? Không lừa dối chính mình, không lừa dối người khác, chân thật có thể làm đến được không dối mình, không dối người thì con người này thành thật, người thật thà.
Người thật thà là vô cùng đáng quý. Người thật thà thì Phật quang thường hay chiếu đến họ, họ không học Phật thì Phật quang cũng chiếu đến họ. Vì sao vậy? Vì họ trung thực!
Phật tâm thanh tịnh, Phật tâm bình đẳng, không thể nói bạn học Phật thì đặc biệt chiếu cố bạn, bạn không học Phật thì Phật không chiếu cố đến bạn, cái tâm đó làm sao có thể xem là tâm bình đẳng? Không học Phật nhưng tấm lòng thành khẩn thì Phật đều chiếu cố, chiếu cố bình đẳng, không hề phân biệt chiếu cố. Bạn nói xem, thành thật đáng quý dường nào!
Lễ kính chính là lưu xuất từ thành khẩn. Chúng ta phải kính người, phải kính việc, phải kính vật. Kính người, lễ kính bình đẳng, không luận là người nào, tất cả chúng sanh đều phải lễ kính.
Tất cả chúng sanh hữu tình, ngay đến kiến, muỗi chúng ta xem thấy cũng như xem thấy chư Phật Như Lai không hề khác biệt, như vậy mới gọi là tu hạnh Phổ Hiền. Muỗi, kiến, động vật nhỏ cũng có Phật tánh. Tất cả động vật đều có Phật tánh. Ngoài động vật ra, thực vật, khoáng vật đều có pháp tánh, cho nên chúng ta phải cung kính tất cả.
Nếu như nói chúng ta làm không được, xin nói với các vị, thực tế ra mà nói, không phải làm không được mà là chúng ta không chịu làm. Nếu như chúng ta chịu làm, thì làm gì có chuyện không làm được.
Thiên hạ làm không được, người xưa nói, chỉ có hai việc khó là lên trời khó và cầu người khó. Việc này là cầu chính mình không phải cầu người. Cầu chính mình thì có gì khó đâu? Chỉ là làm cho tánh đức của chúng ta hoàn toàn lưu xuất ra. Việc này là cầu ở chính mình không phải cầu người, cho nên chính mình nhất định phải giác ngộ, nhất định phải nỗ lực. Hiện tại thế gian tai nạn triền miên, nếu chúng ta không chăm chỉ nỗ lực mà tu, tương lai làm sao có thể tự cứu, cứu người?
Tôi ở ngay trong cuộc sống thường ngày không hiểu đối với tin tức bên ngoài. Tôi không xem truyền hình. Tịnh Tông Học Hội chúng ta nơi đây không có truyền hình, tất cả tivi đều là phát nội bộ, bên ngoài không có ăng-ten trời, không nhận được tin tức bên ngoài. Chúng tôi cũng không nghe phát thanh, cũng không xem báo chí.
Có một số đồng tu nói với tôi, một-hai tháng gần đây nhất, họ xem thấy từ trên truyền hình, tầng băng Nam Cực đã tan ra. Vấn đề này tương đối nghiêm trọng. Nếu như băng của Nam Bắc Cực tan ra, mực nước biển sẽ phải dâng cao, đô thị duyên hải trên toàn thế giới thảy đều chìm vào đáy biển.
Tai nạn từ do đâu mà đến? Có người luôn cho rằng là do thiên tai, việc này thì không cách gì. Khoa học gia đem việc này đổ cho thiên tai làm ra, tai hại thiên nhiên, đều đổ hết trách nhiệm cho thiên nhiên. Cách nhìn trong Phật pháp không phải như vậy.
Trong Phật pháp nói bao gồm tất cả tai hại đều là do chính chúng ta tạo thành. Ai tạo thành vậy? Không phải người khác mà chính mình ta tạo. Lời nói này bạn có thể tin không? Nếu như bạn tin tưởng, vậy chúc mừng bạn, bạn đã giác ngộ; nếu bạn không tin tưởng, bạn nhất định không thừa nhận, bạn chưa giác ngộ. Xác thực là chính ta tạo thành. Nếu như người người có thể tự giác, người người đều có thể thay đổi tự làm mới thì tai nạn này liền được tiêu trừ.
Nạn nước từ do đâu mà đến? Là lòng tham. Đồng tu ngồi đây, tôi nghĩ có không ít người đã đọc qua Kinh Lăng Nghiêm. Phật ở trong hội Lăng Nghiêm giảng nói rất rõ ràng, tham dục là nước, sân hận là lửa, ngu si là gió, tam tai nước-gió-lửa. Nếu như nói là người của toàn thế giới đang cố sức tăng thêm tham-sân-si, đang gia tăng thêm tốc độ, thì ba loại hiện tượng nước-gió-lửa thế gian này liền sẽ nổi lên. Hoàn cảnh là y báo. Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển. Chánh báo là tâm của chúng ta.
Phật luôn khuyên chúng ta dập tắt tham-sân-si. Người người đều có thể dập tắt tham-sân-si thì môi trường sinh thái trên địa cầu này sẽ hồi phục lại bình thường rất nhanh, sẽ không có những tai nạn này.
Ngoài tham-sân-si ra còn có ngạo mạn, tham-sân-si-mạn. Quả báo của mạn là gì? Là động đất. Mạn là tâm cao thấp, không bình. Cho nên, những tai hại tự nhiên này từ do lòng người chiêu cảm đến, do lòng người biến hiện ra!
Trên Kinh luận, Phật dạy chúng ta những đạo lý phương pháp này, xác xác thực thực chân thật có thể tiêu trừ tất cả tai ương. Phải tiêu trừ từ đâu vậy? Đều là tiêu trừ từ ngay nơi nội tâm, Phật pháp gọi là nội học, dùng nội công để cải thiện hoàn cảnh bên ngoài. Cho nên, chúng ta không luận đối với người, với việc, với vật, tất cả đều cung kính.
Cho dù chúng ta không thể giúp đỡ đại chúng, đại chúng không thể chuyển đổi, một mình ta chuyển đổi lại có được không? Vẫn được! Một mình ta chuyển đổi lại gọi là biệt nghiệp, đại chúng gọi là cộng nghiệp. Phật ở trong Hội Lăng Nghiêm nói với chúng ta, cộng nghiệp cùng biệt nghiệp quả báo không như nhau. Nếu như biệt nghiệp của bạn thù thắng, cho dù ở ngay trong cộng nghiệp vô cùng ác liệt, bạn vẫn có thể tránh được.
Ngay trong tai nạn lớn vẫn có rất nhiều người may mắn, đây là do biệt nghiệp không giống nhau. Trong một tai nạn lớn, có thể có người không bị tai nạn, bạn tỉ mỉ mà quan sát, con người đó tấm lòng lương thiện, tham-sân-si-mạn ít, từ bi, thiện niệm nhiều, quyết định là loại người này. Cho nên Kinh này làm sao có thể không đọc, làm sao có thể không cầu hiểu sâu, làm sao có thể không y giáo phụng hành?
Hy vọng đồng tu chúng ta ở tất cả mọi lúc mọi nơi dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi tu tất cả cung kính. Phải đem việc này tập thành một thói quen, đây gọi là thật tu, thật dụng công.
Thật dụng công không phải bạn một ngày đọc bao nhiêu bộ Kinh. Bạn cả ngày đọc Kinh Vô Lượng Thọ, nhưng nếu như tư tưởng lời nói việc làm của bạn hoàn toàn không tương ưng với trên Kinh đã nói, một ngày bạn đọc hai trăm biến cũng uổng công, không dùng được. Từ trước lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: “Đáng đọa lạc thế nào vẫn là phải đọa lạc thế đó”, không có ích gì. Phải thật làm.
Ngày ngày đọc Kinh, kiểm điểm lỗi lầm của chính mình. Đọc Kinh cũng giống như là soi gương vậy. Chính mình một ngày phạm phải lỗi lầm mà không hề biết, Kinh vừa đọc qua, đối chiếu sơ qua thì phát hiện, “Oh! Chỗ này Phật dạy chúng ta không được làm, hôm nay chúng ta lại làm rồi; chỗ này Phật dạy chúng ta làm, hôm nay ta chưa làm được”, đều phát hiện được lỗi lầm. Cho nên Kinh là một tấm gương, ngày ngày phải cầm lên soi.
Soi đến lỗi lầm của chính mình, phải mau đem nó thay đổi lại, vậy thì hữu dụng, vậy thì lợi ích vô biên. Cho nên phải tu tâm chân thành, chân thành đối nhân xử thế, quyết định chúng ta có thể vượt qua đại kiếp nạn. Kiếp nạn hiện tiền không hề có chút ý niệm khiếp sợ, không hề có chút tâm lo lắng, mà rất là tự tại, rất là thản nhiên để tiếp nhận. Đó chính là bạn có công phu, bạn chân thật có được thọ dụng.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 11