Đại tịch định là gì?
Đại tịch định chính là thiền định sâu. Các vị phải nên biết, định không phải ngồi xếp bằng quay mặt vào vách nhắm mắt lại.
Kinh văn: “Nhi bạch Phật ngôn, Thế Tôn kim nhật, nhập đại tịch định, trụ kỳ đặc pháp, trụ chư Phật sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo”.
Lời thỉnh giáo này, trong đây có hai đoạn. Đoạn này trước tiên tán thán Thế Tôn thị hiện tướng lạ.
A Nan nói: “Thế Tôn kim nhật, nhập đại tịch định”. “Đại tịch định” chính là thiền định sâu. Các vị phải nên biết, “định” không phải ngồi xếp bằng quay mặt vào vách nhắm mắt lại. Hiện tại chúng ta đều xem hình thức này cho là thiền định. Loại nhập định này là tiểu định chứ không phải đại định. Tiểu định thì sau khi vào định(1:46) thì không khởi được tác dụng, đại định thì đi đứng nằm ngồi đều là định. Thích Ca Mâu Ni Phật vì mọi người giảng Kinh nói pháp đều đang ở trong định.
Ý nghĩa của định là “ngoài không dính mắc, trong không động tâm”, không phải nói sáu căn không tiếp xúc cảnh giới bên ngoài. Thích Ca Mâu Ni Phật mắt cũng thấy, tai cũng nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, trong tâm như như bất động, không bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn. Phàm phu chúng ta thấy sắc nghe tiếng sẽ bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn, bị cảnh giới xoay chuyển, vậy thì rất khổ. Phật và đại Bồ Tát các Ngài có công phu, thật có định lực, các Ngài có thể thấy như không thấy, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài cùng với tâm thanh tịnh của các Ngài không hề có chút ô nhiễm. Loại định này gọi là Đại Tịch Định, trong định có thể thành tựu tất cả sự nghiệp.
Thiền định còn có một danh từ tiếng Phạn gọi là Tam Muội. Tam Muội chính là tịch định. Đại Tịch Định này người xưa thường gọi là “Bảo Vương Tam Muội”. Lại nói “Phổ Đẳng Tam Muội”, phổ là phổ biến, đẳng là bình đẳng. Tất cả các pháp Phật Bồ Tát đã chứng được bình đẳng, tất cả các pháp không những là trên lý bình đẳng, trên tánh bình đẳng, thực tế mà nói, trên sự cũng bình đẳng, khi ứng dụng cũng bình đẳng. Cảnh giới này rất sâu. Chúng ta ngày nay, nếu bạn nói trên lý bình đẳng, trên tánh bình đẳng, chúng ta sẽ gật đầu; nhưng nói trên tướng bình đẳng, trên sự bình đẳng thì chúng ta không đồng ý. Năm ngón tay đưa ra dài ngắn không đều nhau thì làm sao là bình đẳng? Mỗi một người dáng dấp cao thấp không như nhau, mặt mũi không như nhau thì làm sao bình đẳng?
Hiện tại chúng ta biết được trên sự này thì bình đẳng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc sự là bình đẳng. Sanh đến Thế giới Cực Lạc dáng dấp của mỗi người là cao như nhau, tướng mạo hoàn toàn giống nhau, nhất định không khác nhau. Trên Kinh Vô Lượng Thọ nói, thân tướng mỗi một người đều giống như “Phật A Di Đà”. Thế giới Tây Phương gọi là thế giới bình đẳng. Thế giới này của chúng ta ngày nay nói bình đẳng, mọi người rất khó tiếp nhận, nhưng trên thực tế vẫn là bình đẳng, chúng ta chưa phát hiện ra. Tại sao nói là bình đẳng? Trên “Kinh Bát Nhã” nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hảo tướng là hư vọng, ác tướng vẫn là hư vọng, hư vọng cùng hư vọng chẳng phải là bình đẳng hay sao? Làm gì mà không bình đẳng? “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả pháp đều là như mộng. Như mộng thì là bình đẳng. Cho nên nói tướng thật cũng bình đẳng, sự cũng bình đẳng. Vào cảnh giới bình đẳng thì tâm của bạn định, ở trong tất cả pháp tuyệt đối sẽ không khởi tâm động niệm, quyết định không có tốt xấu, quyết định không sanh phân biệt chấp trước. Vì sao vậy? Biết được tất cả pháp không thể được, biết được tất cả hiện tượng không sở hữu. Sự thật này các nhà khoa học hiện đại dần dần đang chứng thực được, dần dần cũng đang phát hiện, chứng thật trên Kinh Phật nói là sự thật. Tương lai chúng ta ở phía sau “Kinh Hoa Nghiêm” phải nói rõ chân tướng sự thật này.
Tâm của Phật vì sao là định? Phật hiểu rõ chân tướng của tất cả pháp, tuy là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp nhưng vẫn cứ là như như bất động, chân thật là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Đó chính là tướng của đại tịch định, hiện tướng. Bao gồm tất cả hoạt động đều đang ở trong định, chính là trên Kinh Đại Thừa thường nói: “Na Già thường tại định, vô hữu bất định thời”. “Na Già” là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là Rồng Voi. Rồng chúng ta chưa thấy qua, voi thì chúng ta thấy qua. Bạn thấy voi lớn (đến vườn thú sẽ thấy voi lớn) một ngày từ sớm đến tối dáng vẻ của nó dường như đang ở trong định vậy, đi đứng rất chậm rãi, không vội, không khẩn trương, thái độ của nó giống như đang ở trong định vậy, cho nên dùng voi để làm thí dụ, thí dụ cho đời sống của Phật Bồ Tát đều đang ở trong định. Cho dù động tác rất là nhanh nhẹn, bạn tỉ mỉ mà quan sát vẫn là đang ở trong định. Vì sao vậy? Tâm của các Ngài là thanh tịnh, tâm không hề dao động, cho nên khi thân đang nhanh nhẹn, bạn quan sát thấy đều là đang ở trong định.
Đại Tịch Định mà chỗ này nói quy về bổn Kinh này của chúng ta thì chính là “Niệm Phật Tam Muội”, cùng phía sau A Nan đã nói trước sau hợp nhau, đích thực nói là Niệm Phật Tam Muội. Điểm này chúng ta phải học. Học bằng cách nào vậy? Thực tế mà nói, nhìn thấu buông bỏ. Buông bỏ thì tâm liền định. Xin nói với các vị, buông bỏ hết tất cả. Tại vì sao phải buông bỏ? Tất cả đều là giả, không có thứ nào là thật. Không chỉ tất cả pháp thế gian phải buông bỏ. Buông bỏ là tuyệt đối không nên để ở trong lòng. Để ở trong lòng thì sai rồi, bạn chính là phàm phu. Để ở trong lòng thì bạn liền có tích chứa, bạn liền có vướng bận, bạn liền có lo lắng, có phiền não. Phải nên biết những thứ này thảy đều là giả, không có thứ nào là thật. Bạn nói bạn thật lòng không thể buông bỏ là giả thôi, nếu như hiện tại bạn chết rồi, bạn có buông bỏ hay không? Cho nên Đại Sư Ấn Quang thường hay nhắc nhở chúng ta, mỗi giờ mỗi phút phải dán chữ chết ở trên trán thì cái gì bạn cũng đều buông bỏ, còn có thứ gì đáng nghĩ ngợi? Làm gì không buông bỏ được chứ? Bạn mê chấp, si mê, chấp trước, bạn không thể buông bỏ.
Bạn phải nên biết, không thể buông bỏ thì phải sanh tử luân hồi trong sáu cõi. Bạn không thể buông bỏ là gì? Không thể buông bỏ sanh tử luân hồi. Tất cả thảy đầu buông bỏ rồi, chúc mừng bạn, bạn đã siêu việt sáu cõi luân hồi. Thành thật mà nói, chỉ đơn giản như vậy, xem bạn có bằng lòng làm hay không.
Không chỉ thế gian pháp phải buông bỏ, mà Phật pháp cũng phải buông bỏ. Trên “Kinh Kim Cang” chẳng phải đã nói “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp” rồi hay sao? “Pháp” đó chính là Phật pháp, đó là Phật dạy cho chúng ta. Phật pháp cũng phải buông bỏ, vì sao vậy? Làm gì có Phật pháp? Phật pháp là nhân duyên sanh, không phải là thật. Ở trên Kinh Phật nói: “Chúng sanh có bệnh, Phật pháp là thuốc”. Bạn hết bệnh rồi thì thuốc cũng phải bỏ luôn. Bệnh hết rồi mà còn phải uống thuốc thì sẽ uống ra bệnh. Đạo lý này thì mọi người dễ hiểu. “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp”. Hiện tại chúng ta có bệnh cần phải có Phật pháp, ngày ngày ở nơi đó giảng vì cần thiết, đến khi bạn vào được cảnh giới này thì Phật pháp này sẽ không cần. Cần nữa thì bạn lại bị bệnh, thì bạn lại không bình thường. Cho nên các vị phải nên biết, sau khi giác ngộ rồi thì các vị sẽ giống như người xưa đã nói, Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm nói pháp là một đống lời thừa, một bộ “Đại Tạng” gọi là một đống giấy vụn. Chưa vào được cảnh giới thì còn có lợi ích, ngộ nhập rồi thì không cần nữa. Phải hiểu rõ đạo lý này. Ý nghĩa của những lời nói này chính là dạy chúng ta đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không nên phân biệt, không nên chấp trước, bạn liền dùng được tự tại. Pháp không phải không có chỗ dùng, pháp có chỗ dùng, đời sống của bạn được rất tự tại, đời sống sẽ được rất an vui, không có lo lắng, không có phiền não, không có vướng bận, không có vọng tưởng, bạn được nhiều an vui.
“Trụ kỳ đặc pháp”. “Kỳ” là kỳ diệu, “đặc” là đặc thù. “Kỳ đặc pháp” là chỉ cái gì? Chính là phía sau đây đã nói: “Trụ chư Phật sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo”. Ba câu này đem “kỳ đặc pháp” cụ thể nói ra cho chúng ta nghe. Đây đều là chúng ta phải nên học tập.
“Trụ Phật sở trụ”. Chúng ta ở “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói qua Thập Trụ, Thập Hạnh, hiện tại đang bắt đầu giảng đến Thập Hồi Hướng (Kinh văn chưa giảng đến). Đó là biểu pháp của đại chúng trong hội lộ ra một tin tức, đệ tử của Phật phải biết “trụ Phật sở trụ, hành Phật sở hành”. Trụ và hành này trên thực tế chính là áp dụng tâm Bồ Đề. Bạn xem trên Kinh Đại Thừa, bổn Kinh này là Kinh Đại Thừa, bổn Kinh dạy bảo chúng ta tu hành, quan trọng nhất chính là tám chữ: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Đây là cương lĩnh tu hành của bổn Kinh. Tám chữ này hợp lại là viên tu viên chứng, thiên về một phía thì không được. Nếu như bạn thiên ở phát tâm Bồ Đề thì không có một lòng chuyên niệm thì không đúng. Một lòng chuyên niệm mà không có tâm Bồ Đề cũng không thể vãng sanh. Cho nên, phát tâm Bồ Đề cùng một lòng chuyên niệm kết hợp lại thì bạn quyết định được sanh Tịnh Độ.
Tâm Bồ Đề, Kinh luận hợp lại xem thì ý nghĩa rất là rõ ràng. Trong “Quán Kinh” đã nói, chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm là tâm Bồ Đề. Trong “Khởi Tín Luận” đã nói, trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Kinh luận hợp lại xem, trực tâm chính là tâm chí thành, cái tâm này chân thành đến tột đỉnh. Thế nào gọi là chân thành? Không có một vọng niệm nào, cái tâm này mới là chân thành. Trước nhà Thanh, tiên sinh Tăng Quốc Phiên ở trong “Đọc Thư Bút Ký” của ông giải thích chữ thành này được rất hay. Thế nào gọi là thành? Một niệm không sanh gọi là thành. Cách giải thích này rất gần với định nghĩa của Phật đã nói. Bạn có một niệm thì không thành, một niệm không sanh là chân thành đến cùng tột, đó chính là trực tâm. Đại Tịch Định chính là chân thành đến tột đỉnh, thực tiễn ngay ở trụ Phật sở trụ, cho nên “tâm chí thành” trong tâm Bồ Đề chính là trụ Phật sở trụ. “Thâm tâm” là hành Phật sở hành. Thâm tâm, người xưa đã nói cho chúng ta nghe, trong Kinh luận đều nói thâm tâm là hiếu thiện, hiếu đức. Thiện và đức đều tương ưng với chân thành, đó mới gọi là thâm. Hiếu thiện, hiếu đức; thiện, đức và chân thành không tương ưng, đó là giả không phải là thật. Cho nên Đại Sư Thiện Đạo nói: “Nhất thiết giai tùng chân thật tâm trung tác”. Lời khai thị này rất có đạo lý. Khởi tâm động niệm đối nhân xử thế tiếp vật, tất cả phải từ trong tâm chân thật mà làm, một chút hư ngụy cũng không có. Hiếu thiện, hiếu đức, đó là tự hành, tự thọ dụng, tự thành tựu.
Sau cùng, “hồi hướng phát nguyện tâm” cũng chính là tâm đại bi, đó là lợi tha. Cũng chính là nói, chúng ta dùng tâm chân thành, chân tâm đối với chính mình là thâm tâm; dùng chân tâm đối với người khác là tâm đại từ bi, chân tâm đối với người khác chính là tâm hồi hướng phát nguyện. Chỗ này nói là “tối thắng chi đạo”. Ngay chỗ này nói ba câu: “Trụ Phật chi sở trụ” là tâm chí thành, “đạo sư chi hạnh” là thâm tâm, “tối thắng chi đạo” là tâm đại bi, tâm hồi hướng phát nguyện, khởi tâm động niệm đều là lợi ích tất cả chúng sanh. Đó là chúng ta hợp lại trên tâm Bồ Đề mà nói. Đó là thực tiễn tâm Bồ Đề. Nếu như chỉ ở trên sự tướng mà nói, chúng ta đều phải dụng tâm để học tập.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 52