Nguyện có túc mạng thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông

Trong chương này có ba nguyện thứ 6, 7, 8 là: “Túc mạng thông nguyện”, “Thiên nhãn thông nguyện” và “Thiên nhĩ thông nguyện”.

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, tự tri vô lượng kiếp thời túc mạng sở tác thiện ác, giai năng động thị, triệt thính, tri thập phương khứ lai hiện tại chi sự, bất đắc thị nguyện, bất thủ chánh giác”.

Dịch: Khi con thành Phật, các chúng sanh sanh về cõi con, biết rõ vô lượng kiếp trước. Thấy rõ những việc thiện ác đã làm. Nghe rõ sự việc khắp mười phương cả ba đời khứ lai hiện tại. Nếu không được như nguyện, thề không thành Chánh giác.

Trong chương này có ba nguyện là nguyện thứ sáu: “Túc mạng thông nguyện”, nguyện thứ bảy: “Thiên nhãn thông nguyện” và nguyện thứ tám: “Thiên nhĩ thông nguyện”.

Trong Đại kinh Phật nói với chúng ta, chữ thông này là thông đạt, không có chướng ngại, cũng giống như đại sư Thanh Lương ở trong “Hoa Nghiêm” nói với chúng ta lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Phật nói năng lực thấy của mắt chúng ta là tận hư không, khắp pháp giới, không những có thể thấy hiện tại, mà còn có thể thấy quá khứ và vị lai. Đây mới gọi là đức năng không chướng ngại. Mắt thấy sắc như vậy, tai nghe tiếng cũng như vậy, năng lực của sáu căn đều là cứu cánh viên mãn. Nhưng hiện nay năng lực này của chúng ta bị mất hết rồi, cái thấy của chúng ta hiện nay nếu như có chướng ngại thì không thể đột phá được.

Như giảng đường này của chúng ta, tường xung quanh giảng đường là chướng ngại, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy ở bên trong chướng ngại này, bên ngoài chướng ngại chúng ta không nhìn thấy được. Giảng đường của chúng ta hiện nay ở tầng năm, tầng bốn phía dưới chúng ta cũng không nhìn thấy. Năng lực thấy hiện nay đã biến thành như thế này! Không những thấy như vậy, mà nghe cũng là như vậy. Âm thanh gần chúng ta có thể nghe thấy, âm thanh ở xa thì không nghe thấy; âm thanh lớn có thể nghe thấy, âm thanh nhỏ thì không nghe thấy, đều xảy ra chướng ngại.

Phật nói với chúng ta, chướng ngại từ đâu mà có vậy? Không rõ nhân quả, khởi thị phi nhân ngã, tham sân vô minh, chúng ta thường nói là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thế là làm chướng ngại đi bản năng của chúng ta. Chúng ta không thể nói mất hết, hiện nay mắt cũng có thể thấy, tai cũng có thể nghe, nhưng phạm vi quá nhỏ rồi, không thể đạt đến hư không pháp giới, không thể biết quá khứ, vị lai, đây là xảy ra chướng ngại nghiêm trọng rồi.

Đoạn kinh văn này nói ba loại năng lực. Túc mạng là biết quá khứ, vị lai, mắt là thấy, tai là nghe, thông thường ở trong Phật pháp gọi là lục thông, sáu loại thần thông. Lục thông chính là túc mạng, thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, thần túc và lậu tận thông. Năm loại phía trước của sáu loại thần thông này là do có tu được và có báo được, như thiên nhân, quỷ thần họ có quả báo ngũ thông.

Năng lực thần thông lớn hay nhỏ cũng là mỗi người khác nhau, tu được thế nào hãy xem công phu định tuệ của chính họ. Tình trạng phát thông cũng không giống nhau. Chỉ có lậu tận thông là thánh nhân mới có. Thánh nhân là chỉ tứ quả La Hán tiểu thừa. Lậu là danh từ đại biểu cho phiền não, ở chỗ này chuyên chỉ cho kiến tư phiền não.

Lậu tận là phiền não dứt hết rồi, kiến tư phiền não dứt hết rồi, vậy mới chứng được quả A La Hán, cho nên xưng là bậc thánh. Phía trước năm loại này, phàm thánh đều đầy đủ. Ở chỗ này chúng ta cần chú ý, năng lực đã nói ở đây, năng lực lục thông này với năng lực lục thông thông thường trong kinh luận đã nói là khác nhau.

Ở trong kinh, Phật nói với chúng ta, phàm phu túc mạng thông lớn nhất chỉ có thể biết tám vạn kiếp, vượt qua tám vạn kiếp thì họ không biết nữa. Tám vạn kiếp này chúng ta nghe thấy đã khiếp rồi, đây là con số thiên văn. Nhưng những người ở thế giới Cực Lạc này, chúng ta biết được đều là người từ mười phương thế giới niệm Phật vãng sanh về nơi đó cả. Do công phu niệm Phật có sâu cạn không đồng, cho nên đến thế giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị cũng không giống nhau.

Mặc dù công phu kém nhất là hạ hạ phẩm vãng sanh, quí vị nên biết, chúng ta niệm Phật không vãng sanh thì thôi, nếu vãng sanh chắc chắn không phải hạ hạ phẩm. Tại sao vậy? Trong kinh nói rõ ràng, hạ hạ phẩm đều là tạo nghiệp ngũ nghịch thập ác. Tuy chúng ta tạo nghiệp, vẫn chưa nghiêm trọng như vậy.

Tội ngũ nghịch thập ác sám hối, niệm Phật vãng sanh, phần lớn là hạ hạ phẩm ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Mặc dù vãng sanh như vậy, nhưng năng lực thần thông họ có được cũng hơn hẳn Bồ Tát thông thường. Không những hơn hẳn Bồ Tát thông thường, mà còn vượt qua đại Bồ Tát thông thường, thậm chí là chúng ta có thể nói, Bồ Tát quả vị tam hiền của 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ của thế giới Hoa Tạng cũng không sánh bằng.

Thế giới Cực Lạc tại sao được thù thắng như vậy? Đây là do được uy lực bản nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Bản nguyện ở chỗ nào vậy? Chỗ chúng ta hiện nay học chính là bản nguyện của Ngài. Nếu như chúng ta sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc không có loại năng lực này thì Phật A Di Đà sẽ không thành Phật. Ngài hiện nay đã thành Phật mười kiếp rồi, có thể thấy mỗi nguyện của Ngài đều đã thành hiện thực, điều này chúng ta có thể rất yên tâm.

Quí vị đồng tu nhất định phải biết, phải nhớ kỹ, quyết định cầu sanh Tịnh Độ, dứt khoát không nên phát tâm đời sau vẫn trở lại làm người hoặc là đời sau sanh thiên, thế thì bạn đã sai lầm lớn rồi! Bạn phát nguyện này, bạn sẽ đạt được, nhưng rất đáng tiếc, phước báo nhân thiên có, nhưng nhân thiên không được tính là quả báo, bạn chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi. Đã không thoát khỏi được lục đạo luân hồi, hay nói cách khác, bạn sẽ không tránh khỏi phải đọa ba đường ác, đây là điều chắc chắn. Cho nên kinh Phật không thể không đọc, không thể không nghe, tình trạng trong lục đạo luân hồi không thể không hiểu tường tận.

Chúng ta ngày nay nếu có một ý niệm sai, quả thật mà nói quá đáng tiếc! Trong kệ khai kinh nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”, khó khăn lắm mới có được cơ hội tốt như thế này, gặp được phương pháp có thể thoát khỏi luân hồi, có thể viên thành Phật đạo. Bạn gặp được rồi, nếu như bạn nhận thức không rõ ràng, ý niệm sai lầm, lẽ nào không đáng tiếc hay sao?

Thế xuất thế gian không có việc nào đáng tiếc hơn việc này nữa. Chúng ta phải hiểu rằng, kinh văn từng câu từng chữ đều không nên sơ ý.

Mới mở đầu, Phật A Di Đà tự mình nói: “Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả”, các bạn thử suy nghĩ câu nói này của Ngài là ý gì vậy? Đây là nói mười phương vô lượng vô biên thế giới, chỉ cần có chúng sanh có đầy đủ tín nguyện, muốn phát tâm cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc đều có thể được sanh về.

Chúng ta ngày nay có thể tin, có thể phát nguyện, một câu nói này đã bao gồm bản thân chúng ta ở trong đó, chúng ta là một phần tử của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đã là một phần tử của thế giới Tây Phương Cực Lạc, là đệ tử đích thực của Phật A Di Đà, nếu như chúng ta đối với nghĩa lý của bộ kinh này không thông đạt, không hiểu rõ, không tin tưởng, không thể y giáo phụng hành, thì bạn là đệ tử giả, không phải thật. Đệ tử đích thực của Phật A Di Đà thì đối với nghĩa thú của kinh điển phải hiểu thật rõ ràng, hiểu thật tường tận, tin sâu phát nguyện, y giáo phụng hành, quyết định vãng sanh. Đoạn kinh văn này là nói sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc chánh báo vi diệu.

“Tự tri vô lượng kiếp thời túc mạng, sở tác thiện ác”, đây là nguyện thứ sáu, “túc mạng thông nguyện”. Câu nói này không thể tùy tiện xem qua. “Tự tri”, sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, một cách tự nhiên bản thân bạn sẽ biết thôi. Biết điều gì vậy? “Vô lượng kiếp thời”, tình trạng đời sống của bạn trong đời quá khứ, từng đời từng kiếp bạn đều biết tất cả. Trong đời quá khứ bạn cũng từng làm thiên vương, bạn cũng từng bị đọa địa ngục A Tỳ, điều này mỗi người đều đã từng làm. Hiện nay quên hết rồi, cái năng lực này mất hết, không còn biết nữa.

Về đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, được nguyện này của Phật A Di Đà gia trì, năng lực này của chúng ta lập tức sẽ hồi phục. Nói đến vấn đề của những năng lực này, có thể thấy được năng lực của những người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc này không phải do tu mà có, không phải do tu mà được, cũng không giống như ngũ thông có được của chư thiên Sắc Giới hay Dục Giới, mà hoàn toàn là dựa vào quả báo được an bày từ uy lực bản nguyện của Phật A Di Đà, vậy là được đại tự tại….

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 107-108

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!