Dùng phương pháp gì để tâm được tự tại?
Chúng ta dùng phương pháp gì để tâm được tự tại, đem lo lắng, vọng tưởng, dính mắc của chúng ta, những thứ xen tạp này thảy đều xả bỏ?
Ngày nay chúng ta tâm không tự tại, phiền não rất nhiều, lo lắng rất nhiều. Tâm của Phật Bồ Tát tự tại, vì sao vậy? Phật Bồ Tát có trí tuệ, có phương tiện, các Ngài có thể điều phục phiền não, có thể trụ Tam Muội. Điều này thực tế mà nói, chúng ta có thể học. Nếu bạn chân thật muốn học, bạn phải đem phiền não, lo lắng, vướng bận trong tâm thảy đều buông bỏ hết, để cho tâm của bạn trụ ở ngay trong niệm Phật Tam Muội thì bạn liền được tự tại.
Trên thực tế, hội Kim Cang Bát Nhã ngày trước chúng ta ở nơi đây đã giảng qua, Tôn giả Tu Bồ Đề thấy được chân tướng đời sống của Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài nhìn thấy được Phật vì sao tự tại đến như vậy, vì sao an vui đến như vậy. Ngài thấy được, cho nên cực lực tán thán đối với Thế Tôn và Ngài đến thỉnh giáo với Phật.
Chúng ta những người tu hành (người không tu hành thì không nói) quan trọng nhất là hai sự việc. Thứ nhất là làm thế nào “hàng phục được tâm mình”? (cái tâm đó chính là vọng niệm, làm thế nào có thể hàng phục được những vọng niệm này, đó là một vấn đề lớn). Thứ hai là “phải trụ tâm như thế nào”? Tâm của mình phải an trụ ở chỗ nào?
Khi Tôn giả vừa hỏi, liền dẫn khởi Hội Kim Cang Bát Nhã này. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra rất nhiều, vì Tu Bồ Đề mà nói. Tu Bồ Đề không phải là căn tánh nhất đẳng, Thích Ca Mâu Ni Phật dài dòng lôi thôi nói ra một đống, chúng ta nghe cũng không hiểu.
Nếu như là người học Phật chúng ta đem vấn đề này hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật, “làm thế nào hàng phục được tâm mình”? Thích Ca Mâu Ni Phật nhất định sẽ chắp tay : “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn xem, thật đơn giản, vấn đề gì cũng đều được giải quyết rồi. “Phải nên trụ tâm như thế nào?” Vẫn là “A Di Đà Phật”, trụ ngay trên câu “A Di Đà Phật” thì tốt rồi, cao minh hơn rất nhiều so với “Kinh Kim Cang”, làm gì mà phiền phức đến như vậy? Đây gọi là pháp tối thượng thừa. Cho nên Tu Bồ Đề không phải là người thượng thừa, các vị mọi người là người thượng thừa. Tôi nói với mọi người đây là lời thật, đó chính là tâm tự tại.
Chúng ta dùng phương pháp gì để đem lo lắng, vọng tưởng, dính mắc của chúng ta, những thứ xen tạp này thảy đều xả bỏ, một câu A Di Đà Phật thay thế nó? Công phu niệm Phật dùng vào lúc nào vậy? Lúc khởi tâm động niệm, sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, ý niệm vừa khởi thì niệm “A Di Đà Phật”, liền dùng câu “A Di Đà Phật” đánh bạt đi vọng niệm. Đây chính là “hàng phục tâm mình”.
Mỗi niệm trong tâm có A Di Đà Phật, tâm của bạn liền trụ trên câu A Di Đà Phật. Tâm trụ ở câu A Di Đà Phật thì làm gì mà không được thấy Phật chứ?
Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói được rất hay: “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật”. Cho nên trong lòng không nên có thứ khác, trong hai đến sáu thời không nên có bất cứ thứ gì. Vì sao vậy? Bao gồm tất cả ý niệm đều là nghiệp luân hồi. Bạn thử nghĩ xem, từ sớm đến tối, bạn tạo ra nghiệp gì nhiều? Tạo ra nhiều nghiệp luân hồi. Trong lòng của bạn có Phật được thời gian bao nhiêu? Cho nên, công phu của bạn không có lực.
Tất cả thời gian mọi lúc mọi nơi, đối nhân xử thế tiếp vật thảy đều là A Di Đà Phật. Tại sao phiền não của bạn lại đến vậy? Xem thấy người kia đến tìm ta, rõ ràng là một người mà mình không ưa, làm cho tâm của ta loạn động lên, vậy thì bạn không biết dụng công.
Người biết dụng công là thế nào? A Di Đà Phật đến rồi, con người đó chính là A Di Đà Phật, tâm của bạn biến họ thành A Di Đà Phật. Tướng tùy tâm chuyển. Bên ngoài này là cảnh giới, bạn có năng lực đem họ chuyển biến thành A Di Đà Phật, họ chính là A Di Đà Phật, bạn xem chẳng phải bạn đã đối diện với A Di Đà Phật rồi sao?
Người thiện là A Di Đà Phật, người ác cũng là A Di Đà Phật, thuận cảnh là A Di Đà Phật, nghịch cảnh vẫn là A Di Đà Phật, như vậy bạn mới vào được niệm Phật Tam Muội, bạn mới được tâm tự tại. Nếu bạn phân biệt đây là Phật, đó không phải là Phật thì bạn hỏng rồi, bạn làm sao có được tự tại? Đó là dạy bạn làm thế nào trải qua đời sống đại tự tại.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 58