Kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 7

Tất cả Thiên chúng, Long chúng, cùng các chúng Quỷ, Thần đều đến hội họp. Lại có những vị Thần ở cõi Ta Bà cùng cõi nước phương khác…

Kinh văn: Nhất thiết Thiên chúng, Long chúng, Quỷ Thần đẳng chúng tất lai tập hội. Hựu hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới. Hải thần, Giang thần, Hà thần. Thọ thần, Sơn thần, Địa thần, Xuyên Trạch thần, Miêu Giá thần, Trú thần, Dạ thần, Không thần, Thiên thần, Ẩm Thực thần, Thảo Mộc thần, như thị đẳng thần giai lai tập hội.

Phục hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới chư đại quỷ vương, sở vị Ác Mục quỷ vương, Đạm Huyết quỷ vương, Đạm Tinh Khí quỷ vương, Đạm Thai Noãn quỷ vương, Hành Bịnh quỷ vương, Nhiếp Độc quỷ vương, Từ Tâm quỷ vương, Phước Lợi quỷ vương, Đại Ái Kính quỷ vương, như thị đẳng quỷ vương giai lai tập hội.

Dịch: Tất cả Thiên chúng, Long chúng, cùng các chúng Quỷ, Thần đều đến hội họp. Lại có những vị Thần ở cõi Ta Bà cùng cõi nước phương khác, như: Thần biển, Thần sông, Thần rạch, Thần cây, Thần núi, Thần đất, Thần sông chằm, Thần lúa mạ, Thần chủ ngày, Thần chủ đêm, Thần hư không, Thần trên Trời, Thần chủ ăn uống, Thần cây cỏ… Các vị Thần như thế đều đến hội họp.

Lại có những Đại Quỷ Vương ở cõi Ta Bà cùng cõi nước phương khác, như: Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bịnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Đại Ái Kính Quỷ Vương… Các Quỷ Vương như thế đều đến hội họp.

Xem đoạn kinh tiếp theo:

Nhất thiết Thiên chúng, Long chúng, Quỷ Thần đẳng chúng tất lai tập hội.
一切天眾。龍眾。鬼神等眾悉來集會。
Hết thảy chúng Trời, chúng Rồng, và các chúng Quỷ Thần đều đến tụ hội.

Ðoạn này nói về những chúng thiên long bát bộ. Chúng ta đọc tiếp, đoạn kinh văn sau đây nói về các chúng thần.

Hựu hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới.
復有他方國土及娑婆世界。
Còn những cõi nước ở phương khác và thế giới Sa Bà.

Sa Bà thế giới là cõi của chúng ta, và còn những thế giới ở phương khác.

Hải thần, Giang thần, Hà thần.
海神。江神。河神。
Thần Biển, thần Sông lớn, thần Sông nhỏ.

Ðây là Thủy thần, thủy có lớn nhỏ, người Trung Quốc gọi là Long Vương.

Thọ thần, Sơn thần, Ðịa thần, Xuyên Trạch thần, Miêu Giá thần, Trú thần, Dạ thần, Không thần, Thiên thần, Ẩm Thực thần, Thảo Mộc thần, như thị đẳng thần giai lai tập hội.
樹神。山神。地神。川澤神。苗稼神。晝神。夜神。空神。天神。飲食神。草木神。如是等神皆來集會。
Thần Cây, thần Núi, thần Ðất, thần Suối và Ao Ðầm, thần Mùa Màng, thần Ngày, thần Ðêm, thần Hư Không, thần Trên Trời, thần Ăn Uống, thần Cỏ Cây, những vị thần như vậy đều đến tụ hội.

Chúng ta gộp hai đoạn này nói chung. Hai đoạn này nói về Bát Bộ và những chúng Thần. Trước kia pháp sư Thánh Nhất ở Cửu Hoa Sơn giảng Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, đối với những chúng thần này đều có giới thiệu, thần cũng đến tham gia đại hội này, lần tập hội này chẳng phải là ngẫu nhiên, đều có nhân duyên sâu đậm với Ðịa Tạng Bồ Tát lúc trước. Nếu không có duyên, đức Phật Thích Ca Mâu Ni mở pháp hội lần này tại cung trời Ðao Lợi, họ có tư cách gì để tham gia! Chúng ta thấy đại chúng tham dự không thể có nghi hoặc, không những có các chúng Trời, chúng Thần, phía sau còn có chúng Quỷ. Chúng ta xem tiếp kinh văn:

Phục hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới chư đại quỷ vương, sở vị Ác Mục quỷ vương, Ðạm Huyết quỷ vương, Ðạm Tinh Khí quỷ vương, Ðạm Thai Noãn quỷ vương, Hành Bịnh quỷ vương, Nhiếp Ðộc quỷ vương, Từ Tâm quỷ vương, Phước Lợi quỷ vương, Ðại Ái Kính quỷ vương, như thị đẳng quỷ vương giai lai tập hội.
復有他方國土及娑婆世界諸大鬼王。所謂惡目鬼王。噉血鬼王。噉精氣鬼王。噉胎卵鬼王。行病鬼王。攝毒鬼王。慈心鬼王。福利鬼王。大愛敬鬼王。如是等鬼王皆來集會。
Lại có những đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác và thế giới Sa Bà, như Ác Mục quỷ vương, Ðạm Huyết quỷ vương, Ðạm Tinh Khí quỷ vương, Ðạm Thai Noãn quỷ vương, Hành Bịnh quỷ vương, Nhiếp Ðộc quỷ vương, Từ Tâm quỷ vương, Phước Lợi quỷ vương, Ðại Ái Kính quỷ vương, các quỷ vương như vậy đều đến tụ hội.

Liệt kê ra mười hạng quỷ vương. Quỷ đạo cũng tương đối phức tạp, những vị có phước đức trong quỷ đạo thì được xưng là quỷ vương. Chúng ta ở nhân gian tu phước, phước chẳng uổng phí, phước báo là chân thật, những phước bạn tu, tương lai nhất định sẽ được phước báo. Nhưng đến nơi nào để hưởng phước báo? Không nhất định. Phải coi bạn đến cõi nào, nếu bạn có phước thì bất luận ở cõi nào cũng hưởng phước, đến quỷ đạo cũng sẽ hưởng phước. Nói cho chư vị biết chỉ có cõi địa ngục thì chẳng có cách chi; nếu bạn ở cõi người, cõi trời, cõi súc sanh, cõi quỷ, ai có phước đều sẽ hưởng phước, trong cõi quỷ thì làm quỷ vương. Những người, những chúng sanh này đều có duyên với Phật, đặc biệt là duyên với Ðịa Tạng Bồ Tát rất sâu, chúng ta từ kinh này thấy chúng sanh mười pháp giới đều tụ hội nơi đây, chẳng thể nghĩ bàn, trong hết thảy pháp hội chúng ta chưa từng thấy. Kinh Hoa Nghiêm cũng có mười pháp giới chúng sanh cũng đến dự hội nhưng sánh chẳng bằng kinh Ðịa Tạng. Tại sao? Hội kinh Ðịa Tạng này, phía trước chúng ta thấy hết thảy chư Phật, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai một vị cũng không sót, hết thảy đều đến đầy đủ, trong kinh Hoa Nghiêm chẳng thấy được việc này. Từ chư Phật Như Lai đến chúng sanh địa ngục, đến những quỷ vương, có rất nhiều quỷ vương coi quản địa ngục, hết thảy đều đến dự hội, vô cùng hiếm có!

Chúng ta đọc đoạn kinh này xong, nhất định không thể coi thường, biết pháp hội này thù thắng khôn sánh. Nguyên nhân là gì? Những người này, chư Phật Như Lai này đều là học trò của Ðịa Tạng Bồ Tát, hôm nay thầy giáo có công chuyện, học sinh đâu dám chẳng đến! Ðịa Tạng Bồ Tát có oai đức lớn như vậy sao? Ðúng vậy! Ðịa Tạng là gì? Tâm địa, chẳng phải nói một người. Phía trước vừa mở đầu đã giảng cho bạn, ‘Ðịa’ là tâm địa, chân tâm bản tánh, ‘Tạng’ là vô lượng trí huệ đức năng có sẵn trong bản tánh, hết thảy chúng sanh đều y theo cái này để tu hành thành Phật. Ngày nay giảng Ðịa Tạng pháp môn, hết thảy chư Phật Như Lai đều ủng hộ, hết thảy chúng sanh phải nương nhờ, dựa vào, thế nên pháp hội này thù thắng hạng nhất, Hoa Nghiêm không thể sánh bằng, Hoa Nghiêm cũng phải nương theo nó để khơi dậy, nó là chỗ nương dựa căn bản. Thế nên chư vị phải hiểu tánh trọng yếu của vấn đề này, chỗ nương dựa căn bản chính là phước thứ nhất nói trong Quán Kinh. Nói cho chư vị biết nếu ngày nay chúng ta bỏ qua ‘hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết hại, tu mười nghiệp thiện’ thì tu pháp môn gì cũng chẳng thể thành tựu ngay trong đời này. Tại sao? Vì bạn không có căn bản cho nên học Phật phải trải qua vô lượng kiếp. Chúng ta học Phật tuyệt chẳng phải chỉ học đời này thôi đâu, trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy nhóm người cùng vua A Xà Thế, nói thật ra chính là nói chúng ta, nhiều đời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật, đến nay vẫn còn là phàm phu, vẫn luân chuyển trong sáu nẻo. Cúng dường bốn trăm ức Phật, tu hành, nghe pháp chẳng ít, tại sao vẫn không thể thoát khỏi Tam Giới? Tại sao chẳng thể vãng sanh? Ðây là như lúc trước thầy Lý thường nói trong một vạn người niệm Phật khó có được hai, ba người vãng sanh. Ðạo lý gì? Vì bạn chẳng tu từ căn bản.

Bạn đừng coi những người vãng sanh, vãng sanh có tướng lành, có thể họ nghe kinh rất ít, nghe pháp chẳng nhiều, nhưng họ thật sự đã vãng sanh. Bạn lại hỏi thăm kỹ, người này nhất định hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tâm địa rất từ bi. Bạn hỏi thăm xem trong đời sống hằng ngày xử sự, đãi người, tiếp vật, họ tuyệt đối phù hợp điều thứ nhất trong Tam phước, có ai dạy họ không? Chẳng có ai dạy họ. Họ vốn là như vậy, họ làm người rất từ bi, rất kính trọng người, họ thật sự làm được. Chúng ta chẳng bằng họ, tại sao vậy? [Chúng ta mới] đọc được một ít sách vở, học được một ít Phật pháp bèn cống cao ngã mạn, cảm thấy mình rất giỏi, người ta chẳng bằng mình. Họ có thể vãng sanh, chúng ta ngược lại bị lọt tuốt phía sau, còn phải luân hồi, tại sao? Họ chưa từng đọc sách, chẳng biết chữ, rất khiêm tốn, rất nhún nhường, luôn cảm thấy mình chẳng bằng người, nhưng họ đã vãng sanh được. Thế nên càng học nhiều, lúc trước thầy Lý nói lúc chưa học thì còn biết hiếu thuận cha mẹ, học cao rồi, cha mẹ chẳng có học, học vấn cấp bằng của họ cao hơn cha mẹ nhiều, học càng cao thì con mắt càng chạy lên trên đỉnh đầu, ngay cả cha mẹ cũng chẳng coi ra gì, vậy thì làm sao có thể tôn kính sư trưởng! Người như vậy, một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng chẳng thể vãng sanh. Thế nên chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, y giáo phụng hành mới chẳng đến nỗi lãng phí đời này. Bộ kinh Ðịa Tạng, đức Phật Thích Ca mở pháp hội tại cung trời Ðao Lợi là để giảng pháp căn bản, cho nên chúng sanh trong mười pháp giới đều đến tham gia pháp hội này, phi thường chẳng thể nghĩ bàn!

Tên những thiên thần, quỷ thần này chẳng khó hiểu, mọi người có thể xem tên hiểu nghĩa, ở đây tôi lược bớt. Nếu các bạn muốn biết thì có thể tham khảo giảng ký của pháp sư Thánh Nhất. Giảng ký này phổ biến rất rộng, Ngài giảng rất hay, đơn giản, rõ ràng.

Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 5

Bài viết liên quan

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 2

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 6

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 4

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần Thông trên cung trời Đao Lợi tập 3

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 11

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 8

Thiện Quang

Bổn Nguyện là gì?

Thiện Quang

Leave a Comment