Năng lực ngũ thông của Phật Bồ Tát và Nhị thừa, thiên nhân

Điểm khác nhau về năng lực ngũ thông giữa Phật Bồ Tát và Nhị thừa, thiên nhân, có những điểm khác nhau như ở dưới đây.

Điểm khác nhau thứ nhất là “rộng hẹp khác nhau”. Ở trong kinh Phật nói, năng lực của La Hán Tiểu thừa có thể đạt đến 2.000 cõi nước. Thế giới của một vị Phật của chúng ta là tam thiên đại thiên thế giới. Năng lực ngũ thông của La Hán Tiểu thừa (họ không có lậu tận thông) có thể biết được hai cái là trung thiên thế giới và tiểu thiên thế giới, họ có năng lực lớn như vậy. Duyên Giác cao hơn A La Hán một bậc, năng lực của họ có thể biết được tam thiên đại thiên thế giới. Nhưng chúng ta đã xem thấy ở trong kinh này, phạm vi là ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật, khoảng cách này thật là quá lớn.

Quí vị thử nghĩ, muốn tu thành quả A La Hán, muốn chứng được quả Bích Chi Phật là khó cỡ nào? Chúng ta dù cả đời này cũng chắn chắn làm không được. Không những quả vị cao cỡ này làm không được, thành thật mà nói, công lực hết cả đời chúng ta cũng làm không được Tu Đà Hoàn Tiểu thừa. Không tin bạn có thể thử mà xem.

Tu Đà Hoàn Tiểu thừa phải đoạn hết 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Tam giới tổng cộng có 88 phẩm, chúng ta một phẩm cũng phá không nổi. Cho nên, phàm phu chính hiệu như chúng ta làm gì có năng lực thoát khỏi tam giới. Không dựa vào uy lực bản nguyện Di Đà, thời kỳ Mạt Pháp có thể nói không có một người nào được độ, triệu triệu người tu hành, không có một người được độ, đây là nói lời chân thật! Trong tâm chúng ta phải luôn hiểu rõ, phải luôn sáng tỏ.

Ngày nay chúng ta được độ chỉ có dựa vào Phật A Di Đà, bạn không niệm Phật A Di Đà, bạn niệm gì đây? Sanh về Tây Phương Tịnh Độ, được uy lực bản nguyện của Phật A Di Đà gia trì, năng lực này gần như không kém hơn so với Phật A Di Đà, quyết không thể Thanh Văn, Duyên Giác có thể sánh bằng, mà pháp thân Bồ Tát cũng sánh không nổi. Đây là nói chân thật. Pháp thân Bồ Tát nếu có thể sánh bằng, thì Văn Thù, Phổ Hiền tại sao muốn phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ?

Điểm khác nhau thứ hai là “nhiều ít khác nhau”. Thanh Văn, Duyên Giác “Nhất tâm nhất tác, bất năng chúng đa”, cũng chính là nói, nếu họ tác ý muốn biết một sự việc thì chỉ biết một việc này thôi, không thể đồng thời biết hết mọi việc. Chúng ta ngày nay gọi là “chú ý”, chú ý bạn mới có thể hiểu rõ một sự việc, không chú ý thì một việc cũng hiểu không rõ ràng. Ở trong kinh Phật cũng thường hay nói “Tác ý”, tác ý chính là chúng ta gọi là chú ý.

Chúng ta xem thấy trong kinh Địa Tạng, Bà La Môn nữ, Quang Mục nữ gặp được Phật, Bồ Tát, gặp được A La Hán; A La Hán nhất định phải nhập định thì mới có thể nhìn thấy người thân của họ đang ở chỗ nào. Phật thì không cần phải tác ý, chứng tỏ năng lực của Phật lớn hơn nhiều so với A La Hán. Hơn nữa, Phật Bồ Tát có năng lực cùng lúc hiện vô lượng vô biên thân.

Như trong Phẩm Phổ Môn đã nói, đích thực là “ngàn nơi cầu nguyện, ngàn nơi ứng”. Cùng lúc ở những vị trí khác nhau, chúng sanh có cảm, Bồ Tát thảy đều có thể ứng, vô lượng vô biên hóa thân, thị hiện đủ thứ thân khác nhau. Ở trong Phẩm Phổ Môn nói Bồ Tát Quán Thế Âm ba mươi hai ứng thân, thưa với quí vị, Bồ Tát Quán Thế Âm ở mọi lúc, ở mọi nơi đều có ba mươi hai ứng thân. Làm sao biết vậy? Chỉ cần chúng ta chịu suy nghĩ một chút liền biết ngay.

Thế gian này chúng sanh quá nhiều, quá phức tạp, khi chúng sanh có khổ nạn, trong tâm có cầu Phật Bồ Tát giúp đỡ thì Bồ Tát Quán Âm đều đã biết rồi, chúng sanh khởi tâm động niệm thì Phật Bồ Tát đã biết cả rồi, cho nên chúng sanh có cảm thì Phật lập tức liền có ứng, cảm ứng vô cùng nhanh chóng. Bồ Tát hiện thân tướng gì vậy? Không nhất định, tùy theo cảm của chúng sanh mà hiện tướng.

Không phải Phật Bồ Tát có ý hiện tướng, mà Phật Bồ Tát vô ý, Phật Bồ Tát không có tâm, không có ý niệm, cho nên có thể hiện vô lượng vô biên thân. Trong kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: ‘Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Tâm của Phật Bồ Tát là tùy theo ý niệm của chúng sanh mà hiện, cho nên cùng lúc dùng vô lượng vô biên thân thị hiện khắp nơi giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Năng lực này thật là quá lớn. Đây là “nhiều ít khác nhau”.

Điểm khác nhau thứ ba là “lớn nhỏ khác nhau”. Người Nhị thừa, nếu như hiện thân lớn thì cái thân lớn của họ không thể thâu nhỏ, nếu như họ hiện thân nhỏ thì thân nhỏ không thể biến lớn. Nhưng Phật Bồ Tát thì không như vậy, họ có thể hiện thân lớn, thân lớn có thể thâu nhỏ. Cái gọi là Tu Di ví dụ thân lớn, có thể thâu nhỏ vào trong hạt cải, họ có thể thâu nhỏ. Bồ Tát cũng có thể hiện thân nhỏ, thân nhỏ lại có thể dung chứa tất cả, nhỏ chứa được lớn, tự tại vô ngại. Đây là việc mà người Nhị thừa làm không được. Tại sao lại có loại tình trạng này vậy?

Chúng ta học Phật đến nay đã đọc nhiều kinh luận rồi, cũng có một chút nhận biết, tất cả pháp, phàm là xứng tánh liền tự tại vô ngại. Người Nhị thừa chưa kiến tánh, cho nên mặc dù họ có thể hiện thân lớn, có thể hiện thân nhỏ, nhưng họ không được tự tại, không xứng tánh. Chư Phật Bồ Tát, Bồ Tát này chí ít cũng là Pháp Thân Đại Sĩ, phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, đây là kiến tánh. Sau khi kiến tánh rồi thì không có một pháp nào là không xứng tánh, cho nên họ tự tại vô ngại, tức “Hoa Nghiêm” gọi là cảnh giới tứ vô ngại: Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Như vậy mới biết được chỗ đáng quí của xứng tánh.

Không xứng tánh không thể giải quyết vấn đề. Thiền tông tu học gọi là “Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, lấy điều này làm mục tiêu. Tông môn như vậy thì Giáo hạ đâu có ngoại lệ được? Giáo hạ ở trên mặt danh tướng nói không khác nhau. Giáo hạ gọi là đại khai viên giải, Tông môn gọi là minh tâm kiến tánh, trong Tịnh Độ tông chúng ta gọi là lý nhất tâm bất loạn, trong Mật tông gọi là tam mật tương ưng. Danh từ gọi không giống nhau, nhưng chỉ là một.

Chúng ta muốn học Phật, học Phật phải hiểu được học cái gì, mục tiêu của chúng ta ở chỗ nào, quyết định không được làm sai. Kiến tánh, viên giải, tương ưng, thành thật mà nói, ngay cả lý nhất tâm chúng ta thảy đều làm chưa được. Nếu bạn có thể làm được, thì không những thoát khỏi lục đạo mà thập pháp giới cũng thoát khỏi, bạn liền thành Phật, bạn chính là Pháp Thân Đại Sĩ, trong nhà Phật gọi bạn là đại thánh, không phải tiểu thánh. Tuy làm chưa được nhưng không thể không biết, không thể không đi theo con đường này. Chỉ cần không đi ngược lại con đường này thì sự tu học của chúng ta là đúng đắn, tư tưởng liền thuần chánh, chánh tri chánh kiến, sự hành trì của chúng ta gọi là chánh hạnh, vậy là đúng rồi.

Cho nên chánh tri, chánh kiến, chánh hạnh, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta sẽ quyết định nắm chắc phần vãng sanh. Sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, được Phật A Di Đà gia trì, năng lực của chúng ta lập tức sẽ hồi phục, tình trạng hồi phục gần giống như quả vị của Như Lai. Cho nên, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, là pháp khó tin, so với bất cứ pháp môn nào cũng nhanh chóng và chắc chắn hơn, tu học lại thuận tiện.

Đạo tràng chúng ta có một số đồng tu từ phương xa đến đây để tham học, tham gia pháp hội của chúng ta để cùng nhau tu học. Nhưng xã hội hiện đại, chúng ta phải hiểu rõ, phải sáng tỏ, cổ nhân nói: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Quí vị đồng tu hãy quan sát tỉ mỉ, cần nên hiểu rõ, ngày nay Phật pháp so với một số ngoại đạo khác, so với một số ma, ngoại ma thì kém xa, bất luận ở phương diện nào cũng không sánh bằng người ta.

Chúng ta căn cứ kinh luận học tập pháp môn niệm Phật, người bên ngoài phá hoại rất nhiều, nói niệm Phật không thể thành tựu, nhất định cần phải tu pháp môn nào đó khác. Tại sao họ phải làm như vậy? Không mong cho bạn vãng sanh Tịnh Độ, không mong cho bạn thoát khỏi luân hồi. Tại sao họ phải làm như vậy? Ở trong kinh điển Phật nói rất rõ ràng, năm xưa, ma vương Ba Tuần đã tìm đến Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật rất từ bi, người nào cũng tiếp kiến. Ba Tuần nói với Phật Thích Ca Mâu Ni rằng, ông muốn phá hoại Phật pháp. Phật bảo với ông ta, tất cả pháp mà Phật đã nói là pháp thuần chánh, không có người nào có thể phá hoại được. Ba Tuần liền nói: “Đợi đến thời kỳ Mạt Pháp của ông, tôi bảo ma tử, ma tôn của tôi thảy đều xuất gia, khoát áo cà sa của ông để phá hoại Phật pháp của ông”. Phật Thích Ca Mâu Ni nghe xong liền rơi lệ, không nói một lời nào nữa!

Thời kỳ Mạt Pháp, ma tử, ma tôn sẽ rất nhiều, chuyên đi cản trở người tu hành, chuyên đi phá hoại tín tâm của người, cho nên trước khi Thế Tôn nhập diệt, răn dạy đệ tử đời sau bốn câu nói gọi là “Tứ y pháp”. Nếu như bạn có thể làm theo bốn câu nói này, sức của ma lớn cỡ nào cũng không thể phá bạn được.

Điểm khác nhau thứ tư là “Nhanh chậm khác nhau”. Ví dụ, bậc thánh Nhị thừa, Bồ Tát quyền giáo muốn đi thăm hỏi chư Phật Như Lai thì phải mất rất nhiều thời gian mới có thể đến được, vả lại không thể đồng thời thăm hỏi rất nhiều chư Phật Như Lai. Nhưng Phật Bồ Tát một niệm có thể châu biến khắp pháp giới, năng lực này bậc thánh Nhị thừa, Bồ Tát quyền giáo không thể sánh bằng.

Điểm khác nhau thứ năm là “Hư thực khác nhau”. Người Nhị thừa có thể biến hóa, nhưng biến hóa được tương tự mà thôi, không có tác dụng thực tế, còn cái mà Phật Bồ Tát biến hóa ra đều có thực dụng.

Điểm khác nhau thứ sáu và bảy là “Sở tác khác nhau” và “Sở hiện khác nhau”. Chư Phật Bồ Tát có thể đồng thời hiện vô lượng vô biên hình sắc, tức là đồng thời tùy loại hóa sanh, không phải từng cái, từng cái mà là cùng lúc. Vả lại, mỗi thân đã hóa ra này đều có chủ trương của chính Ngài, đều có một biện pháp giáo hóa chúng sanh của chính Ngài, đều có cách thuyết pháp của chính bản thân Ngài, mỗi thân đều khác nhau.

Ví dụ nói, cùng ở khu vực này của chúng ta, cùng ở trong Phật giáo, Bồ Tát có thể hóa rất nhiều, rất nhiều thân, biến hóa thành rất nhiều pháp sư, cư sĩ, có người học Tịnh Độ, có người học Thiền, có người học giáo, các Ngài có thể hóa rất nhiều thân, mỗi thân đều khác nhau. Không những là trong cửa Phật các Ngài có thể thị hiện như vậy, mà các Ngài còn thị hiện ngoại đạo, thị hiện những tôn giáo khác, thậm chí còn thị hiện vào các ngành các nghề trong xã hội, nam nữ già trẻ, mỗi người mỗi việc không giống nhau. Điều này Thanh Văn, Duyên Giác làm không được.

Chúng ta đã từng xem thấy ở trong “Cao Tăng truyện”, ở trong “Thần Tăng truyện”, đại khái là thời đại triều Đường, có một vị cao tăng người Tây Vực (tên gì tôi cũng không nhớ, đây là chuyện lúc tôi còn rất trẻ mới học Phật, thích xem những sách này, có một ấn tượng thế này), ông sắp trở về nước.

Thời đó, người theo học Phật với ông rất nhiều, nghe thấy lão pháp sư phải về nước, ai cũng muốn cúng dường lão pháp sư (Pháp sư lúc đó không cần tiền, bạn cúng dường phong bì, họ không nhận, cho nên cúng dường bằng cách mời họ ăn cơm). Đến ngày thứ hai, họ tiễn pháp sư đến trạm mười dặm, mỗi người đều vô cùng hoan hỷ, “hôm qua pháp sư rất tôn trọng tôi, đến nhà tôi để ứng cúng”. Người khác nói, “không đúng, hôm qua rõ ràng là Ngài ứng cúng tại nhà tôi”.

Sau khi tin này truyền đi thì mới biết vị pháp sư này có khả năng phân thân, cùng lúc nhận sự cúng dường của 500 nhà. Ông có thể phân thân, nhưng 500 thân đều là thân giống nhau, không phải mỗi thân mỗi khác. Bồ Tát có thể hiện các thân khác nhau, ông không làm được, ông chỉ có thể hiện một loại thân, ông không thể biến hiện những thân khác nhau, không thể biến hiện những hình tướng khác nhau. Đây là “Sở hiện khác nhau”, “Sở tác khác nhau”.

Điểm khác nhau thứ tám, trong kinh Lăng Nghiêm nói lục căn hỗ dụng. Phật Bồ Tát làm được, mắt có thể thấy, tai cũng có thể thấy, toàn thân đều có thể thấy; tai có thể nghe, mắt cũng có thể nghe, tay chân đều có thể nghe. Điều này Thanh Văn, Duyên Giác làm không được. Phật và đại Bồ Tát lục căn hỗ dụng.

Điểm khác nhau thứ chín là “Tự tại khác nhau”. Đây là có cảm liền ứng. Tuy làm ra đủ loại ứng hiện, giúp đỡ tất cả chúng sanh, chỉ dạy tất cả chúng sanh, nhưng bản thân Phật Bồ Tát hoàn toàn không có khởi tâm động niệm, hoàn toàn không có vọng tưởng, chấp trước, thật sự là ở mọi lúc, ở mọi nơi không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm.

Phần sau kinh Vô Lượng Thọ có nói “Bất thất định ý”, đây cũng là điều mà Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát quyền giáo làm không được. Cho nên tuy nói thần thông, nhưng từ các phương diện này mà quan sát, vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì năng lực của sáu loại thần thông bạn có được này không những hơn hẳn thiên nhân, hơn hẳn pháp giới tứ thánh, mà thậm chí là hơn hẳn Bồ Tát quả vị tam hiền ở trong Pháp Thân Đại Sĩ. Thật sự không thể nghĩ bàn. Lợi ích công đức thù thắng như vậy tìm ở đâu ra?

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 107-108

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!