Nguyện thứ 5: Nguyện cho thân không sai biệt

Tướng mạo mỗi người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn toàn giống nhau, đều đoan chánh tịnh khiết, hoàn toàn giống như tướng hảo của Phật.

Kinh văn: “Đoan chánh tịnh khiết, tất đồng nhất loại, nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả, bất thủ chánh giác”. Dịch: Đoan nghiêm chánh trực, tất cả đồng một dung nhan, nếu có tốt xấu, hình thể sai biệt, thề không thành Chánh giác.

Đến chỗ này là một đoạn. Phía sau một câu này: “Bất thủ chánh giác” là tổng kết của ba nguyện này. Văn nguyện này chỉ đến chỗ này, chỉ có bốn câu.

“Đoan chánh” là nói tướng mạo, tướng mạo đoan chánh, trong Phật pháp gọi là trang nghiêm, người thế gian gọi là đẹp.

“Tịnh khiết”, điều này càng khó được. Thân tâm thanh tịnh, cái gọi là “không nhiễm mảy bụi”.

“Tất đồng nhất loại”, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn toàn giống nhau, tướng mạo của mỗi người đều đoan chánh tịnh khiết, hoàn toàn giống như tướng hảo của Phật.

“Nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả”. Ở đây liền có vấn đề, “hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả”, thế giới Ta Bà chúng ta rất rõ ràng, rất rõ rệt.

Chúng ta ở trong một đời đã thấy được mấy lần tướng mạo hai người giống nhau vậy? Ở trong đời này tôi chỉ thấy được một lần tướng mạo của hai người hoàn toàn giống nhau, họ không phải anh em, không phải người một nhà, rất khó gặp được!

Trong thời gian kháng chiến, một bạn học cùng lớp của tôi lúc tôi đi học tại Quí Châu. Sau khi kháng chiến thắng lợi, tôi đi học ở Nam Kinh, trong lớp lại có một người bạn học, tướng mạo giống hệt như người bạn học trước đây của tôi, động tác cũng giống, dáng đi cũng giống, rất kỳ lạ.

Có một hôm tôi gọi anh ta lại, tôi nói anh có những ưu điểm nào, những khuyết điểm nào, chỉ ra từng cái từng cái cho anh ta thấy. Anh ấy vô cùng kinh ngạc. Anh ấy nói: “Sao bạn biết vậy? Là bạn biết đoán số, xem tướng phải không?”. Tôi nói: “Tôi không biết đoán số, tôi biết xem tướng”. Anh ấy nói: “Bạn xem như thế nào?”. Tôi liền nói với anh ấy: “Trước đây tôi có một người bạn học, tướng mạo giống hệt như anh vậy. Tính tình của hai người đại khái cũng giống nhau, sở thích cũng giống nhau, quả nhiên không sai”. Không dễ gì gặp được. Điều này đối với việc học Phật của tôi sau này có một thể nghiệm như vậy.

Tướng mạo từ đâu mà có vậy? Người xem tướng họ sẽ nói: “Tướng tùy tâm chuyển”, tướng mạo này chính là tâm tư của bạn. Không nên cho rằng tâm tư của bạn ẩn náu ở trong tâm không ai biết, kỳ thực nó lộ hết ở trên mặt.

Người tâm ý lơ là nhìn không ra, người tâm ý tinh tế, người có học vấn, người có sức định, người có trí tuệ, họ nhìn qua là biết ngay. Tâm tư của bạn đều ở trên mặt, tướng tùy tâm chuyển. Chỉ có một người tướng mạo hoàn toàn giống nhau, đó là Phật, vì tâm của Phật đều giống nhau, Phật Phật đạo đồng.

Tướng mạo của Phật với Phật hoàn toàn giống nhau, tướng này là tâm biến ra. Tướng của Bồ Tát thì gần giống nhau. Tướng của La Hán khác biệt sẽ rất lớn.

Các bạn thử xem, ở dưới đại điện của chúng ta có cúng dường 18 vị La Hán, tướng mạo của mỗi người không giống nhau. Nhưng tướng của Bồ Tát thì rất giống nhau. Tướng La Hán không giống nhau, tại sao vậy? La Hán vọng tưởng, phân biệt chưa dứt, cho nên tướng mạo sẽ có khác biệt. Nhưng kiến tư phiền não của họ dứt rồi, tuy tướng mạo đó thấy rất kỳ lạ, bạn hãy nhìn tỉ mỉ, họ rất lương thiện, họ không ác. Tại sao vậy? Kiến tư phiền não dứt rồi.

Tướng mạo không giống nhau cũng dẫn đến phiền não cho chúng sanh. Phật A Di Đà hiểu được tình trạng này, cho nên dùng nguyện lực của Ngài tạo nên phàm là người vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc tuyệt đối không có phiền não này.

Người ở thế gian này do tướng mạo không giống nhau mà tạo ác nghiệp thật quá nhiều, nhiều không kể xiết. Cho nên Phật A Di Đà từ bi, đem cái duyên mà chúng sanh tạo tác ác nghiệp dứt sạch toàn bộ cho chúng ta rồi. Thế giới Tây Phương chỉ có thiện duyên, không có ác duyên, đây là chỗ thù thắng hy hữu không gì bằng.

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 106

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!