Tu học Phật pháp điều kiêng kỵ nhất là gì?
Tu học Phật pháp điều kiêng kỵ nhất là tạp tu. Trong sáu Ba la mật có tinh tấn Ba la mật. Như thế nào thì được gọi là tinh tấn?
Tu hành phải tu từ căn bản, cái gì là căn bản?
Tu học Phật pháp điều kiêng kỵ nhất là tạp tu. Trong sáu Ba-la-mật có tinh tấn Ba-la-mật. Như thế nào gọi là tinh tấn? Tinh là thuần chứ không tạp, tạp thì không tinh; một môn là tinh tấn, hai môn thì không tinh tấn rồi.
Quí vị phải biết, niệm Phật thật sự thành tựu cũng là nhờ thâm nhập một môn. Bồ-tát Đại Thế Chí dạy chúng ta phương pháp niệm Phật là “thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tiếp nối”.
Thế nào gọi là tịnh niệm? Chúng ta đối với Tây Phương Tịnh Độ, đối với A Di Đà Phật không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Không hoài nghi, không xen tạp gọi là tịnh niệm. Không gián đoạn chính là tương tục. Tịnh niệm nối tiếp như thế này mới có thể thâu nhiếp sáu căn, phẩm vị vãng sanh mới cao.
Có rất nhiều người không biết điều này, họ cho rằng muốn tiêu nghiệp chướng thì phải niệm Kinh Dược Sư, phải niệm Phẩm Phổ Môn, phải niệm Kinh Địa Tạng, phải niệm Chú Đại Bi hoặc là niệm những cái khác nữa. Đây là sai lầm, đều là xen tạp; nghiệp chướng có thể tiêu chút ít, không thể tiêu triệt để.
Nếu như họ biết được Quán Kinh, biết được một câu Phật hiệu này thì nghiệp chướng của họ sẽ tiêu diệt triệt để, họ vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc với phẩm vị cao; còn không thì họ cũng có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị không cao, vì tu xen tạp.
Ngày nay người tu xen tạp quá nhiều. Mọi người không biết được sức mạnh của câu Phật hiệu, họ cho rằng niệm câu Phật hiệu này để tiêu nghiệp chướng nhưng vẫn không bằng tụng Kinh Dược Sư, vẫn không bằng trì Chú Đại Bi. Bạn nói xem, có gay go hay không? Đây là hoài nghi, sự hoài nghi này khiến công phu của mình tổn giảm rất lớn.
Chú giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh có tên là “Quán Kinh Trực Chỉ”, tôi đọc qua rồi hoát nhiên đại ngộ. Ngài nói rất hay: “Chúng sanh tạo tác tội nghiệp cực nặng như tội ngũ nghịch thập ác, tất cả mọi kinh luận, mọi cách sám hối, thần chú đều không thể tiêu nổi tội nghiệp này, duy chỉ còn một câu “A Di Đà Phật” là có thể khiến tội nghiệp này tiêu trừ”.
Chúng ta mới biết, một câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” này chiến thắng thiên kinh vạn luận, chiến thắng tất cả các câu thần chú, là chú ở trong chú, là kinh ở trong kinh, không có gì thù thắng hơn câu Phật hiệu này. Thế nhưng không có người tin, vì họ cho rằng một câu “A Di Đà Phật” quá dễ dàng, quá đơn giản, e rằng không có hiệu quả, cho nên họ vẫn muốn đi tìm những thứ khác để xen tạp.
Vãng sanh được hay không là quyết định ở “tín – nguyện có hay không”. Nếu không thật tin sâu, không có nguyện thiết thì phẩm vị vãng sanh của bạn sẽ hạ rất thấp. Hiện tượng này, Đại Sư Thiện Đạo gọi là “cửu phẩm vãng sanh chung quy bởi gặp duyên khác nhau”.
Bạn không gặp được thiện tri thức, không có người dạy bạn thì nghi hoặc của bạn không thể đoạn trừ. Chúng ta ngày nay xây đạo tràng tại Singapore, chúng ta biết tin sâu không nghi, cho nên niệm Phật đường chúng ta chỉ niệm một câu Phật hiệu, còn trong giảng đường thì chỉ giảng một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một mảy may xen tạp cũng không có.
Ở nơi đây, chúng tôi giảng bộ Kinh Địa Tạng là vì Pháp sư Nhân Đức mời tôi lên núi Cửu Hoa giảng Kinh, tôi không có thời gian đến đó, cho nên tôi thu một bộ băng ghi hình để tặng cho núi Cửu Hoa. Ý nghĩa là như vậy. Còn việc khai giảng bộ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này với các đồng học, đây cũng là việc bất đắc dĩ.
Mười mấy năm gần đây, rất nhiều đồng tu trong và ngoài nước khải thỉnh tôi, hy vọng tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm một lần để lưu lại một bộ tư liệu ghi hình cho người hậu học làm tham khảo. Tôi đã nhận lời. Vì nguyên nhân này chúng tôi mới giảng Hoa Nghiêm. Nếu theo ý riêng của tôi, xin nói lời thành thật, một bộ Kinh Di Đà tôi sẽ giảng đến cùng, tôi sẽ không thay đổi.
Xưa nay, có Đại đức cả đời chỉ giảng một bộ Kinh Di Đà, giảng đến 300 lần. Tôi nhìn thấy vô cùng hoan hỷ, vô cùng ngưỡng mộ. Trong một đời tôi giảng nhiều kinh luận như vậy, đều là do bất đắc dĩ, ứng phó lời khẩn cầu của đại chúng. Nếu muốn thật sự thành tựu thì quyết định phải chuyên tinh, quyết định ở một môn thâm nhập, một đời tuyệt đối không thay đổi.
Chúng ta nhất định phải noi theo chư Phật Bồ-tát. Chư Phật Bồ-tát là điển hình, là mô phạm của chúng sanh trong chín pháp giới, đích thực là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Chúng ta ngưỡng mộ, chúng ta yêu cầu quá cao, chúng ta cũng muốn trong một đời này có thể được thành tựu như chư Phật Bồ-tát. Có người hỏi, có thể thành tựu hay không? Đáp án là khẳng định có thể. Như lời của Đại Sư Thiện Đạo đã nói là do “gặp duyên khác nhau”, bạn có thể gặp được duyên thù thắng thì một đời thành tựu.
Thiện Tài Đồng Tử gặp duyên thù thắng, cho nên một đời thành Phật. Long Nữ cũng gặp duyên thù thắng nên tám tuổi thành Phật. Trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm đã nói, phàm những điều mà Phật đã nói ở trong kinh luận, đều là cái mà người thế gian có thể làm được.
Người thế gian chúng ta không thể làm được thì Phật sẽ không nói, vì nếu như Phật nói ra là có lỗi với chúng ta. Nói ra mà chúng ta không thể làm được, há chẳng phải là giễu cợt, là trò đùa hay sao? Nếu vậy thì lời nói của Phật sao có thể gọi là chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, bất hư ngữ, bất cuống ngữ? Tiêu chuẩn này sẽ không thể đạt được rồi. Cho nên, từng câu mà Phật Bồ-tát nói với chúng ta đều là lời chân thật. Chỉ cần chúng ta thể hội thật kỹ, y giáo phụng hành thì một đời này chúng ta có thể viên thành Phật đạo.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 23