Chúng ta tu hành là tu gì vậy?

Chúng ta tu hành là tu gì vậy? Đoạn kinh văn đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Pháp môn chúng ta tu là Tịnh Độ, tại sao chúng ta phải học kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo?

Các vị đồng học, mời xem tiếp kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” trang thứ 5. Kinh văn hàng thứ 3: “Long Vương đương tri, Bồ-tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ. Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp, thị tức năng lệnh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn”.

Đoạn khai thị này là trung tâm của bộ kinh này, không chỉ là phần quan trọng nhất của bộ kinh này, mà cũng có thể nói đó là trung tâm mà Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Thích Ca Mâu Ni Phật như vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai cũng không có gì khác, đó gọi là “Phật Phật đạo đồng”. Từ đó cho thấy, tính quan trọng của đoạn kinh văn này.

Chúng ta tu hành là tu gì vậy? Đoạn kinh văn đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Pháp môn chúng ta tu là Tịnh Độ, tại sao chúng ta phải học kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo? Thậm chí còn có người hỏi: “Tại sao pháp sư còn phải giảng kinh Hoa Nghiêm?”. Một số người sơ học không hiểu rõ đạo lý này.

Tịnh Độ học từ đâu vậy? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vi Đề Hy đã gặp đại nạn, biến cố của gia đình, biến cố của quốc gia, bà đau khổ tột cùng, cầu Thế Tôn chỉ giáo là có hoàn cảnh sống nào tốt hay không? Bà muốn cầu sanh về đó.

Thế Tôn vô cùng từ bi, đem cõi nước của chư Phật mười phương biến hiện ngay trước mặt bà, để tự bà nhìn thấy, tự bà lựa chọn. Bà liền chọn thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Bà chọn đúng rồi, Thế Tôn vô cùng tán thán đối với sự lựa chọn của bà. Bà muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy bà như thế nào vậy? Điều này chúng ta không thể không lưu ý. Trước tiên, Phật chưa dạy bà phương pháp vãng sanh mà dạy bà “Tịnh nghiệp tam phước”.

Điều thứ nhất: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”.

Điều thứ hai: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”.

Điều thứ ba: “Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả”.

Phật lại nói cho bà biết, ba điều này là “Tam thế chư Phật, tịnh nghiệp chánh nhân”. Pháp môn mà ba đời chư Phật đã tu không giống nhau. Ý nghĩa này là nói, vô lượng, vô biên pháp môn, đây là căn cơ. Vô lượng, vô biên pháp môn chính là tu ba điều này. Ba điều này là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh.

Mà tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc, trên thực tế chính là hai câu phía trước: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, sự tu học Phật pháp bắt đầu từ chỗ này và cũng viên mãn ngay đây. Đây là căn bản, những điều phía dưới đều là phương tiện. Làm thế nào viên mãn hai câu này? Đó chính là chín câu phía sau, từ câu “Từ tâm bất sát” trở về sau là phương tiện.

Ở trong phương tiện, điều quan trọng nhất là “Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là giảng giải hai câu này. Bạn nghĩ xem, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chúng ta có cần học hay không? Bạn không hiểu được Thập Thiện Nghiệp Đạo, thì hiếu thân, tôn sư chỉ là hai câu khẩu hiệu rỗng không, không thể thực hiện.

“Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” thực hiện ở “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, đây là “Tịnh nghiệp chánh nhân”, đặc biệt là muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc là Tịnh Độ.

Tịnh Độ làm sao có thể vãng sanh vậy? Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Tâm thanh tịnh rồi thì ngữ nghiệp thanh tịnh, thân nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp đều thanh tịnh. Nếu như bạn tỉ mỉ đọc kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu là nhắc nhở chúng ta cương lĩnh tu hành cũng là “Tịnh nghiệp tam phước”, dạy chúng ta “khéo giữ khẩu nghiệp”.

Ở trong “khéo giữ khẩu nghiệp”, điều quan trọng nhất là “không nói lỗi người”, với điều mà trong Đàn kinh của Lục Tổ Huệ Năng đại sư nói hoàn toàn tương ưng. Huệ Năng đại sư nói: “Người chân thật tu hành, không thấy lỗi thế gian”, chính là trong kinh Vô Lượng Thọ nói “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”.

Hằng ngày nói thị phi, hằng ngày phê bình người khác, hằng ngày ý kiến thật nhiều, thì người này không phải người tu hành, người này không phải là đệ tử Phật. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này….

Trích trong:
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH Tập 13
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Người dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

Có thể bạn quan tâm

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!