Tu trì thập thiện được 10 lực, 4 vô sở úy, 18 pháp bất cộng

Người mà nỗ lực tu trì thập thiện hay khiến cho Mười lực, Bốn vô sở úy, Mười tám pháp bất cộng, tất cả Phật pháp đều được viên mãn.

Kinh văn: Long vương đương tri, thử Thập thiện nghiệp, nãi chí năng linh Thập lực tứ vô úy, Thập bát bất cộng nhất thiết Phật pháp, giai đắc viên mãn. Thị cố nhữ đẳng ưng cần tu học.

Dịch: Long vương nên biết, Mười nghiệp thiện này, hay khiến cho Mười lực, Bốn vô sở úy, Mười tám pháp bất cộng, tất cả Phật pháp đều được viên mãn. Thế nên các ông phải siêng năng tu học.

Người mà nỗ lực tu trì mười thiện thì mới là đệ tử Phật chân thật. Cho dù họ xuất gia, thọ đại giới rồi, có thể giảng kinh nói pháp, hoặc giả là cũng có thể tham Thiền, niệm Phật, nhưng họ không có tu hành mười thiện, vậy thì không phải là đệ tử Phật. Loại Phật giáo đồ này, trong Phật pháp gọi là “danh tự vị”.

Danh tự vị là có danh, mà không có thật. Cho dù tu thế nào cũng không liên quan gì với pháp xuất thế, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Phước báo thế gian họ có thể có được, bởi vì họ tu phước báo hữu lậu. Đạt được phước báo, họ nhất định tạo tội nghiệp. Vì sao vậy? Họ không có thiện căn, nên phước báo hưởng hết thì nhất định đọa lạc. Thí dụ này thì quá nhiều, quá nhiều. Ở chỗ này cho chúng ta một tổng kết: “Như Lai quả địa, trí tuệ đức tướng cứu cánh viên mãn đều từ mười thiện mà sanh ra”.

Đoạn kinh văn trên có ba danh từ: “thập lực, vô úy, thập bát bất cộng”, chúng ta giới thiệu sơ lược qua một chút.

Thứ nhất là “Thập Lực”.

Trên “Đại Trí Độ Luận” nói: “Phật quả mười lực”. Mười loại năng lực đặc thù này Bồ Tát cũng có, nhưng không viên mãn. Như Lai quả địa là cứu cánh viên mãn.

Điều thứ nhất, “Thị xứ, phi xứ trí lực”.

Điều thứ hai, “Nghiệp trí lực, tri nhất thiết chúng sanh tam thế sở hữu chư nghiệp”.

Điều thứ ba, “Định trí lực, tri nhất thiết chư Thiền Tam Muội”.

Điều thứ tư, “Căn trí lực, tri chư chúng sanh chư căn thượng hạ”.

Điều thứ năm, “Dục trí lực, tri tha chúng sanh chủng chủng dục lạc”.

Điều thứ sáu, “Giới lực trí, tri thế gian chủng chủng giới phân”.

Điều thứ bảy, “Chí xứ trí lực, tri nhất thiết đạo chí xứ tướng”.

Điều thứ tám, “Túc mạng trí lực, tri nhất thế, nãi chí bách thiên vạn thế, tánh danh khổ lạc, thọ yểu đẳng”.

Điều thứ chín, “Nhãn căn trí lực, kiến chúng sanh, sanh thời tử thời, thiện đạo ác đạo đẳng”.

Điều thứ mười, “Lậu tận trí lực”.

Thứ hai là “Vô úy”. “Vô úy” chính là không có lo sợ. Có bốn loại vô úy.

Loại thứ nhất là “Nhất thiết trí vô sở úy”.

Loại thứ hai là “Lậu tận vô sở úy”.

Loại thứ ba là “Thuyết chướng đạo vô sở úy”.

Loại thứ tư là “Thuyết tận khổ đạo vô sở úy”.

Phía sau là “mười tám pháp bất cộng”. Những danh từ thuật ngữ này có thể nói sơ lược qua.

Trong mười tám pháp bất cộng, ba điều phía trước là nói “Thân – Khẩu – Ý vô thất”, vĩnh viễn không có lỗi lầm. Điều này thì phàm phu, Nhị thừa, Bồ Tát đều không thể làm được. Đến thuần thiện vô quá thì tánh đức viên mãn hiện tiền.

Điều thứ tư, thứ năm, thứ sáu nghiêng nặng ở nơi tâm.

Thứ tư là “Vô bất định tâm”. Chúng ta biết được, trên Như Lai quả địa, cái định cảnh đó của họ gọi là “Tịch Diệt Định”, thanh tịnh tịch diệt, vĩnh viễn trụ ở ngay trong đại định. “Na già thường tại định, vô hữu bất định thời”. Bồ Tát phải đến Bát Địa mới có thể đến cảnh giới này. Bát Địa gọi là “bất động địa”, không thoái chuyển. Do đây có thể biết, từ thất địa trở về trước, “định” có lúc còn có thể mất đi (mất đi chính là thoái chuyển), thế nhưng thời gian rất ngắn thì họ có thể hồi phục lại. Bồ Tát Bát Địa thì không thoái chuyển, còn Như Lai quả địa thì đạt cứu cánh viên mãn.

Thứ năm là “Vô dị tưởng tâm”. Dị tưởng là vọng tâm. Chân tâm lìa niệm, chắc chắn không có ý niệm. Trong Phật pháp thường nói: “Chánh niệm”, “Chánh niệm vô niệm”. Đối với người sơ học thông thường mà nói, phương tiện nói là “Chánh niệm vô tà niệm”, hay nói cách khác, chánh niệm vẫn là có niệm, nhưng không có tà niệm. Đây là người gì vậy? Đây là Pháp Thân Đại Sĩ. Pháp Thân Đại Sĩ cũng là Phật, phần chứng vị Phật, họ không có tà niệm. Trên Như Lai Quả Địa, chánh niệm, tà niệm đều không có, đó mới gọi là “Chánh niệm”.

Thứ sáu là “Vô bất tri xả tâm”. Thế xuất thế gian tất cả pháp chắc chắn không có chấp trước. Thế xuất thế gian tất cả pháp thảy đều buông xả. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn chưa làm được, trên Như Lai quả địa thì hoàn toàn buông xả rồi. Vì sao vậy? Bồ Tát Đẳng Giác còn chấp trước một phẩm sanh tướng vô minh, họ còn phân biệt chấp trước. Nếu như họ không còn phân biệt chấp trước, họ liền chứng được Phật quả viên mãn. Cho nên, phải buông xả. Bạn buông xả được càng nhiều thì cảnh giới của bạn càng lên cao, ở trong Phật pháp nói quả vị của bạn càng thù thắng. Phật ở trên kinh Kim Cang nói: “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp”. Chữ “Pháp” này là chỉ Phật pháp. Phật pháp còn phải xả. “Xả” chính là không chấp trước. Chúng ta vạn nhất không nên hiểu lầm ý nghĩa của chữ “xả” này. (Chúng ta chân thật xả rồi, không học nữa, vậy thì đáng lo!). Ý nghĩa của chữ “xả” này là chúng ta phải học, thế nhưng không được chấp trước. Chúng ta xả vọng tưởng, xả phân biệt, xả chấp trước thì đúng, đây là trong Phật pháp Đại thừa thường nói, “Phá lập đồng thời, không có trước sau”.

Mười tám pháp bất cộng, từ điều thứ bảy đến sáu khóa mục sau là “Dục, Niệm, Tinh Tấn, Trí Tuệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến”. Sáu loại này đều viên mãn đầy đủ, không có chút kém khuyết nào. Đây là quả đức của tự tánh. Thế nhưng, chữ “Dục” phía trước, trên Như Lai quả địa vẫn còn “dục” hay sao? Chữ “dục” này cùng “ái dục” trong phàm phu thông thường, danh từ giống nhau, ý nghĩa hoàn toàn như nhau. Trên Như Lai quả địa là lìa niệm, không có niệm (phía trước đã nói qua, trong tâm họ không có niệm). Do đây có thể biết, trong đây đã nói, đều là quả đức cứu cánh viên mãn. Cái “dục” này là gì? Thực tế mà nói, đây là nguyện tất cả chúng sanh viên thành Phật đạo. Chúng ta phải biết, Như Lai chỉ có một nguyện vọng là “Nguyện tất cả chúng sanh mau thành Chánh Giác”. Các Ngài ứng hóa ở mười pháp giới, hiện vô số thân, nói vô số pháp chỉ vì một mục tiêu đơn thuần như vậy. Việc này chúng ta nhất định phải biết. Cho nên từ ngay chỗ này mà nhìn, phàm phu, Nhị thừa Bồ Tát thảy đều không có. Không có chính là không viên mãn, chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Chỉ có trên Như Lai quả địa mới là cứu cánh viên mãn.

Phía sau có ba điều là “Thân – Khẩu – Ý ba nghiệp”. Nghiệp là tạo tác. Phía trước nói “Thân – Khẩu – Ý vô thất”, chắc chắn không có lỗi lầm. Ở chỗ này nói “Thân – Khẩu – Ý, ba nghiệp” là nói ứng hóa của họ. Họ ứng hóa ở mười pháp giới, họ cũng hiện thân, cũng nói pháp, họ cũng có vô số tạo tác, thế nhưng ứng hóa thân “tùy trí tuệ hành”, không giống như phàm phu chúng ta. Phàm phu chúng ta, Thân – Khẩu – Ý là tùy phiền não tập khí, tùy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà tạo vô số nghiệp. Các Ngài thì không như vậy. Thí dụ 53 tham trên “kinh Hoa Nghiêm”, năm mươi ba vị thiện tri thức trên kinh Hoa Nghiêm đều là cứu cánh viên mãn Phật quả thị hiện. Họ thị hiện thân phận nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, nhưng Thân – Ngữ – Ý của họ không có lỗi lầm, tùy trí tuệ hành. Không chỉ bốn tướng không có, mà bốn kiến cũng không. Do đây có thể biết, vô số thị hiện không ngoài vì lợi ích tất cả chúng sanh. Có một số đồng tu sau khi nghe cách nói này thì có nghi hoặc. Vì sao vậy? Như Lai vô số thị hiện, đích thực lợi ích chúng sanh, nhưng cũng có lúc dẫn chúng sanh sai đạo. Phật có cố tình hay không? Phật không cố ý. Những chúng sanh nào có được lợi ích? Thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ thì được lợi ích. Những chúng sanh nào có thể bị dẫn đạo sai? Phiền não tập khí sâu nặng, xem thấy thị hiện của Phật, họ luôn là hướng về phía ác mà nghĩ thì liền biến thành ngộ nhận. Nếu như vô số thị hiện đều có thể hướng về phía thiện mà nghĩ thì họ liền có được lợi ích. Phật vô tâm mà thị hiện, chúng sanh mỗi mỗi cảm thụ không như nhau, đạo lý chính ngay chỗ này. Chúng ta nhất định phải hiểu được, phải thông đạt.

Ba điều sau cùng là “Tri quá khứ thế vô ngại, Tri hiện tại thế vô ngại, Tri vị lai thế vô ngại”. Đây là đức dụng Bát Nhã trong tự tánh vốn đủ. Mười phương ba đời vô sở bất tri, không có chướng ngại. Loại năng lực trí tuệ này cùng A La Hán, Bồ Tát không như nhau. A La Hán cũng có thể biết ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai, thế nhưng thời gian của họ biết chỉ có 500 năm. Họ có thể biết quá khứ 500 năm, vị lai 500 năm, trên 500 năm thì họ không có năng lực, họ không biết.

Trên kinh Pháp Hoa có một thí dụ, đây là một công án, là một đoạn cố sự. Có một người phát tâm muốn xuất gia với Phật (xuất gia với Phật chắc chắn phải có thiện căn, không có thiện căn thì không cách gì xuất gia được). Phật bảo những vị đại A La Hán này quán sát xem anh này có thiện căn hay không. Những vị A La Hán này xem qua đều lắc đầu: “Không có thiện căn, không có duyên với Phật”. A La Hán chỉ có thể xem 500 đời. Người này 500 đời trước không có kết duyên qua với Phật thì làm sao có thể xuất gia? Phật liền nói: “Anh này có thiện căn từ vô lượng kiếp trước”. Vô lượng kiếp thì thời gian quá dài, A La Hán, Bồ Tát không thể thấy được. Anh này là một tiều phu lên núi đốn củi, gặp phải một con Hổ. Con Hổ muốn ăn thịt anh, anh trèo lên trên cây, niệm một tiếng “Nam Mô Phật!”. Chỉ một chút thiện căn này, mà ngay trong đời này gặp được Thích Ca Mâu Ni Phật, có thể xuất gia. Phật thế phát cho anh ấy. Đây là nói rõ Phật biết được vô lượng kiếp trước, Ngài có năng lực này, người khác không biết, Bồ Tát, A La Hán đều không biết.

Tóm lại, mười tám pháp bất cộng, bao gồm phía trước mười lực, vô úy, đều là hình dung đức năng viên mãn trên Như Lai quả địa. Đức năng này là tự tánh vốn sẵn có, hiển lộ viên mãn, một chút kém khuyết cũng không có.

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH Tập 78 – 79
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Người dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

Có thể bạn quan tâm

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!