Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 9
Kinh Địa Tạng Bồ Tát quyển thượng phẩm thứ nhất: Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi tập 9 – Mục thứ tư: Trưởng Giả Tử phát nguyện.
Kinh văn:
Văn Thù Sư Lợi, Thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư quá khứ cửu viễn bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp tiền, Thân vi đại trưởng giả tử. Thời thế hữu Phật, Hiệu viết Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Thời Trưởng Giả Tử kiến Phật tướng hảo thiên phước trang nghiêm, nhân vấn bỉ Phật, tác hà hạnh nguyện nhi đắc thử tướng.
Thời Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai: ‘Cáo Trưởng Giả Tử, dục chứng thử thân đương tu cửu viễn độ thoát nhất thiết thọ khổ chúng sanh’.
Văn Thù Sư Lợi, thời Trưởng Giả Tử nhân phát nguyện ngôn: ‘Ngã kim tận vị lai tế bất khả kế kiếp, vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh quảng thiết phương tiện tận linh giải thoát, nhi ngã tự thân phương thành Phật đạo’.
Dĩ thị ư bỉ Phật tiền lập tư đại nguyện, ư kim bách thiên vạn ức na-do-tha bất khả thuyết kiếp thượng vi Bồ Tát.
Dịch:
Này Văn Thù Sư Lợi! Trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp lâu xa về trước, tiền thân của Ngài Địa Tạng Bồ Tát làm một vị Trưởng giả tử. Lúc đó, trong đời có đức Phật hiệu là: Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Trưởng giả tử thấy đức Phật tướng mạo tốt đẹp nghìn phước trang nghiêm, mới bạch hỏi đức Phật tu hạnh nguyện gì mà đặng tốt đẹp như thế?
Khi ấy, đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai bảo Trưởng giả tử rằng: “Muốn chứng được thân tướng tốt đẹp này, cần phải trải qua trong một thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ”.
Này Văn Thù Sư Lợi! Trưởng giả tử nghe xong liền phát nguyện rằng: “Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Đạo”.
Bởi ở trước đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, Ngài lập nguyện rộng đó, nên đến nay đã trải qua trăm nghìn muôn ức vô số bất khả thuyết kiếp, mà Ngài vẫn còn làm vị Bồ Tát!
Lại xem tiếp đoạn đức Thế Tôn nói về nhân duyên đời trước của Ðịa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa này rất sâu.
Văn Thù Sư Lợi,
文殊師利。
Này Văn Thù Sư Lợi,
Trong kinh Phật, phàm những chỗ mở đầu có nêu tên người đương cơ thì đoạn kinh văn tiếp theo sau vô cùng quan trọng. Kêu tên tức là nhắc họ, tiếp theo sau sẽ có lời giảng quan trọng, kêu họ chú ý.
Thị Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư quá khứ cửu viễn bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp tiền.
是地藏菩薩摩訶薩。於過去久遠不可說不可說劫前。
Trong thời quá khứ số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết lâu xa về trước, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Câu này chấm dứt ở đây vừa đúng chỗ. Bất khả thuyết, bất khả thuyết kiếp, thời gian này quá dài, quá dài, nói không hết.
Thân vi đại trưởng giả tử.
身為大長者子。
Làm một vị đại trưởng giả.
Người xưa có ý này, thân phận của Ngài lúc trước là một người đại ‘trưởng giả tử’. ‘Ðại trưởng giả tử’, rất nhiều người đọc sai chỗ này rồi hiểu thành ‘con trai của đại trưởng giả’. Nhưng trên thực tế chữ ‘Tử’ là một cách tôn xưng của người Trung Quốc thời xưa, cũng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, cách dùng chữ ‘Tử’ này là ‘tôn xưng’. Ðại Trưởng Giả Tử, chữ Tử này chính là chữ Tử trong tên của Khổng Tử, Mạnh Tử, là lời xưng hô tôn kính. Dùng ngôn ngữ hiện nay để nói thì ‘Tử’ là tôn kính, Tôn kính Ðại Trưởng Giả, thêm chữ tôn kính này vào phía trước, hồi xưa thì chữ tôn kính này được đặt phía sau.
Thời thế hữu Phật.
時世有佛。
Ðời lúc bấy giờ có Phật.
Lúc bấy giờ, thế gian này có một tôn Phật.
Hiệu viết Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.
號曰師子奮迅具足萬行如來。
Hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.
Sư Tử Phấn Tấn là thí dụ, sư tử là vua trong các loài thú. ‘Cụ Túc Vạn Hạnh’ là nói Bồ Tát tu hành công đức viên mãn, chứng được Phật quả vô thượng. Ðây là ý nghĩa đơn giản của Phật hiệu.
Thời Trưởng Giả Tử kiến Phật tướng hảo thiên phước trang nghiêm, nhân vấn bỉ Phật, tác hà hạnh nguyện nhi đắc thử tướng.
時長者子見佛相好千福莊嚴。因問彼佛。作何行願而得此相。
Lúc đó Trưởng Giả Tử thấy đức Phật tướng mạo tốt đẹp, ngàn phước trang nghiêm nên hỏi Ðức Phật đó tu hạnh nguyện gì mà được tướng như vậy.
Ðây là chỗ chúng ta học tập. Lúc bấy giờ Trưởng Giả tôn kính này thấy Sư Tử Phấn Tấn Như Lai ‘tướng hảo’ quang minh nên sanh tâm hoan hỷ; thỉnh giáo đức Phật: ‘Tu như thế nào mới có được tướng tốt của Ngài?’. Tướng hảo quan trọng, làm đệ tử Phật trong xã hội này nếu chúng ta chẳng có hình tướng tốt thì chúng ta sẽ diệt Phật pháp. Xuất gia đâu phải dễ, cổ đức thường nói: ‘Trước cửa Ðịa ngục nhiều Tăng đạo’, phần đông người thường trong xã hội tạo nghiệp địa ngục chẳng dễ, người xuất gia tạo nghiệp địa ngục quá dễ, tại sao vậy? Chẳng có hình tướng tốt thì bạn sẽ diệt Phật pháp, tội nghiệp này của bạn sẽ [là nhân] đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao? Dạy cho xã hội đại chúng hủy báng Phật pháp, người ta vừa nhìn hình dáng của bạn như vậy, khinh chê bạn, khinh thường bạn, hủy báng bạn, liền có thể hủy báng trọn hết cả Phật pháp, tội nghiệp này của bạn dễ sợ lắm! Chư Phật, Bồ Tát là mô phạm, hình tướng tốt nhất của chín pháp giới. Trưởng Giả Tử được xưng là Tử, mọi người tôn kính, là người có học thức, có đức hạnh, hình tướng của Phật có thể làm cho ông ta nhìn thấy Phật bèn khởi tâm cung kính, muốn đến học tập, bạn nói hình tượng này hoàn hảo biết mấy. Chúng ta ngày nay trong xã hội này chẳng xuất gia thì không sao, một khi bạn xuất gia rồi thì bạn nhất định phải học hình tướng của Phật, phải đầy đủ hình tướng của Bồ Tát. Nếu không thì tại gia học Phật cũng được, tạo tội làm chi! Tại sao phải làm chuyện báng Phật, báng Pháp, báng Tăng này! Việc này rất quan trọng.
Chúng tôi ngày nay giảng kinh Hoa Nghiêm rất dài, đến đoạn ‘năm mươi ba lần tham vấn’ sau cùng không những yêu cầu người xuất gia, người tại gia học Phật cũng giống người xuất gia, đều phải làm hình tướng tốt nhất cho xã hội đại chúng. Nếu bạn làm không nổi, thì bạn chẳng phải là đệ tử Phật, là đệ tử mạo danh, Phật tử giả mạo, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, quả báo ở ba đường ác đáng sợ vô cùng, chúng ta không thể không biết việc này. Ðã học Phật rồi thì tâm địa phải thanh tịnh, bình đẳng, giác, phải diệt trừ tham-sân-si. Nếu còn tranh quyền lợi với người, còn muốn cái này tốt, cái kia chẳng tốt, đó là tâm luân hồi, tạo nghiệp luân hồi. Nghĩ đến tâm Phật thanh tịnh bao nhiêu, mảy trần chẳng nhiễm, thường suy niệm về chân tướng của vũ trụ nhân sanh, chân tướng là tam tâm chẳng thể được, chư pháp vô sở hữu, thế nên ở trong và ngoài đều có thể đạt được thanh tịnh; bên trong một niệm chẳng sanh, bên ngoài mảy trần chẳng nhiễm, như vậy là Phật, Bồ Tát. Như vậy mới có thể sống đời sống chân chánh, chúng ta thường gọi là đời sống chân, thiện, mỹ, huệ thật sự, đời sống hạnh phúc mỹ mãn thật sự, một tí cũng chẳng giả, chư Phật, Bồ Tát sống đời sống như vậy. Chúng ta sống cuộc sống như thế nào? Bên trong khởi tâm động niệm, bên ngoài luôn luôn phan duyên, chúng ta sống đời sống đầy dẫy phiền não, nghiệp chướng, đời luân hồi, nói lời chẳng dễ nghe thì chính là đời sống của ác đạo. Chúng ta đọc đến câu này, Phật sắp vào phần thứ nhất trong nghiệp nhân của Ðịa Tạng Bồ Tát, dụng ý rất sâu! Chư vị bất luận là tại gia học Phật, hay xuất gia học Phật, nhất định phải làm một gương mẫu tốt cho xã hội, nhất định phải làm hình tướng tốt đẹp.
‘Thiên phước trang nghiêm’, chẳng phải chỉ có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Chúng ta không nói đến ngàn phước trang nghiêm, chỉ nói ba mươi hai tướng tốt, ba mươi hai tướng tốt từ đâu đến? Ba mươi hai tướng là tướng phước đức, bạn chẳng tu phước thì không được tướng hảo này. Thiện gồm có hữu lậu và vô lậu. Thiện vô lậu thì chúng ta làm không nổi, việc này quá cao, phiền não tập khí chúng ta chưa đoạn, phải học từ đâu? Bắt đầu từ thiện hữu lậu, nhất định phải đoạn ác tu thiện. Nếu chúng ta làm được tiêu chuẩn của thế gian pháp thì chúng ta là người thiện trong thế gian, là gương tốt cho thế gian. Tướng lưỡi rộng dài của Phật thành tựu do công đức chẳng nói dối. Tư Mã Quang ở thời cổ Trung Quốc, đại khái phần đông người ta đều biết, biệt hiệu của Tư Mã Quang là Quân Thật, ‘Quân tử thành thật’, ông thật sự đã làm được. Lúc về già ông tự phản tỉnh, cả đời chẳng nói dối, ông nói những chuyện ông đã làm suốt cả đời đều là ‘Chẳng có chuyện gì không thể nói cho người ta biết’, cả đời chẳng làm một chuyện gì mờ ám, không làm một việc gì chẳng thể nói cho người ta biết. Ông cũng quy y Tam Bảo, là hình tướng tốt của người tại gia. Ngày nay chúng ta nói lời thành thật, đã học Phật được những gì! Mỗi ngày đọc tụng Ðại Thừa, mỗi ngày phải hết lòng phản tỉnh, hết lòng kiểm điểm, chẳng kể kinh luận tụng được nhiều ít, cả đời làm được một câu, hai câu thì cả đời thọ dụng chẳng cùng tận.
Phật giảng cho chúng ta căn bản của sự tu hành, nói thật ra chính là ‘Tịnh Nghiệp Tam Phước’, Tịnh nghiệp Tam phước mở rộng ra chính là hết thảy Phật pháp; vô lượng vô biên Phật pháp cô đọng lại chính là mười một câu này, tuyệt đối chẳng thể xem thường. Mười một câu này cô đọng thêm nữa chính là một câu: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ’. Ngàn kinh vạn luận, vô lượng vô biên pháp môn của chư Phật Như Lai đã tuyên nói đều chẳng vượt ra ngoài bốn chữ này. Chúng ta giảng Tam Học, Lục Hòa, Lục Ðộ, Thập Nguyện, các phương pháp tu hành đều biến thành hiện thực trên sự hiếu kính, trong đời sống hằng ngày của chúng ta, trên cách xử sự, đãi người, tiếp vật, đây là học Phật thật sự. Học Phật thật sự phải thay đổi hình dáng, sửa đổi tâm niệm, hành vi, như vậy gọi là học Phật chân thật. Mỗi ngày đều đọc kinh, thậm chí mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp, nhưng tâm vẫn chẳng sửa đổi, vẫn là tâm thế tục, vẫn là tâm luân hồi, vẫn là tâm tham – sân – si – mạn, như vậy thì làm sao được! Ðó là giả, chẳng phải thật. Thật sự xả niệm, thanh tịnh, niệm niệm vì lợi ích cho chúng sanh, chẳng vì mình. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta đọc thấy, nếu vì mình thì Ngài trụ trong đại Niết Bàn, vậy thì tự tại biết mấy; nếu vì chúng sanh thì phải tùy loại hóa thân, chẳng màng khổ nhọc. Ðây là quan niệm của người thế tục chúng ta; Phật, Bồ Tát chẳng có khổ nhọc, tại sao chẳng có khổ nhọc? Vì các Ngài chẳng có Ta (vô ngã), có Ta mới có khổ nhọc, chẳng có Ta thì ai khổ nhọc? Chúng ta đọc đến câu này cảm khái muôn vàn, chúng ta làm thế nào để học giống hình tướng của Phật, Bồ Tát? Nếu chẳng hết lòng y giáo phụng hành thì làm sao được! Hãy xem đoạn kinh tiếp theo:
Thời Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai: ‘Cáo Trưởng Giả Tử, dục chứng thử thân đương tu cửu viễn độ thoát nhất thiết thọ khổ chúng sanh’.
時師子奮迅具足萬行如來。告長者子。欲證此身當須久遠度脫一切受苦眾生。
Lúc đó Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai nói với: ‘Trưởng Giả Tử nếu muốn chứng được thân tướng này thì phải tu lâu đời hạnh độ thoát hết thảy chúng sanh thọ khổ’.
Ðây là nguyên do của Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Chư vị nhất định phải ghi nhớ, hiện nay đạo tràng xây dựng chẳng giống như lúc trước, lúc trước đúng như pháp, hết thảy tất cả chùa được xây đều phù hợp với nghĩa thú tiêu biểu pháp, hiện nay chẳng đủ điều kiện. Ðạo tràng chính quy (theo đúng truyền thống) vừa bước vào cửa là Ðiện Thiên Vương, nhìn thấy Di Lặc Bồ Tát trước nhất, Di Lặc Bồ Tát dạy bạn cái gì? ‘Sanh tâm bình đẳng, hiện tướng vui vẻ’[3]. Phật pháp lấy việc từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa; Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho từ bi làm gốc, Tứ Ðại Thiên Vương tượng trưng cho phương tiện, phương tiện làm cửa, Ðiện Thiên Vương dạy chúng ta việc này. Bạn ở đạo tràng mỗi ngày đều phải đi qua cửa này, mỗi ngày tiếp nhận sự un đúc này, làm cho bạn từ từ thay đổi tâm ý. Ngày nay chúng ta có ai hiểu được? Ai có tâm từ bi? Ai có cửa phương tiện? Phương tiện chẳng phải là dạy chúng ta có đủ phương tiện, nghĩ vậy là sai rồi. Mà là tạo phương tiện cho hết thảy chúng sanh, tạo cho họ có được phương tiện, còn mình phải từ bi, hai việc này chẳng thể đảo lộn. Nếu nói họ từ bi còn mình được phương tiện, vậy thì bạn đã lộn ngược rồi. Do đó nhất định phải phát tâm, tâm này chính là Tâm Ðại Bồ Ðề, ‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, đặc biệt là hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, chúng sanh chịu khổ nạn nghĩa là gì? Tức là lục đạo, đặc biệt chỉ ba đường ác. Chư vị phải biết, chúng sanh trong ba đường ác ở đâu? Tức là ở xung quanh chúng ta, thậm chí bao gồm chính mình, tâm tham là cõi ác quỷ, sân khuể là cõi địa ngục, ngu si là cõi súc sanh, tâm chúng ta là tham – sân – si, lời nói tham – sân – si, tất cả tạo tác đều chẳng lìa tham – sân – si, chúng ta đang tạo nghiệp tam ác đạo đấy.
Ðịa Tạng Bồ Tát có năng lực hóa thân đến ba đường ác độ thoát chúng sanh, ngày nay chúng ta chẳng có khả năng này; chúng ta không có khả năng ấy nên phải độ những chúng sanh còn chưa vào ba đường ác nhưng đang tạo nghiệp nhân của ba đường ác, chúng ta phải độ những người này. Phải biết những người này là chúng sanh khổ nạn, đừng cho rằng hiện nay trong số những người này có người giàu sang phú quý, người thế gian nghĩ rằng họ rất sang trọng, trong mắt Phật thì họ là chúng sanh trong ba đường ác. Chúng ta làm sao độ họ? Trước hết phải tự mình xả bỏ tham – sân – si, nếu chỉ nói suông thì không được, phải làm ra hình dáng cho họ coi. Tôi xả bỏ tham – sân – si, chẳng còn tham – sân – si, tôi sinh sống cũng rất tự tại, cũng không tệ gì, làm cho họ phản tỉnh từ những chỗ này, giác ngộ từ những chỗ này. Phía trước Phật nói phải tạo dựng hình tượng, bạn hãy xem sự tiêu biểu pháp trong đoạn đầu của kinh Hoa Nghiêm, thứ nhất là nói đến đại địa, tâm địa. Thứ hai là giảng về cây báu, ý nghĩa của cây báu là gì? Cây lập nên gương tốt nhất. Hết thảy chúng sanh ở cõi này, ở thế giới tha phương chẳng có ai không thích cây cối, hoa cỏ, Phật bèn dùng phương pháp này để thí dụ, chúng ta muốn một cây thật tốt đẹp, làm cho người ta tiếp xúc đến đều hoan hỷ. Hãy xem đoạn kinh tiếp theo:
Văn Thù Sư Lợi, thời Trưởng Giả Tử nhân phát nguyện ngôn: ‘Ngã kim tận vị lai tế bất khả kế kiếp, vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh quảng thiết phương tiện tận linh giải thoát, nhi ngã tự thân phương thành Phật đạo’.
文殊師利。時長者子因發願言。我今盡未來際不可計劫。為是罪苦六道眾生廣設方便盡令解脫。而我自身方成佛道
Này Văn Thù Sư Lợi, lúc bấy giờ Trưởng Giả Tử nhân đó bèn phát nguyện rằng: ‘Từ nay cho đến vô tận kiếp chẳng thể tính ở đời vị lai, tôi sẽ vì chúng sanh đang chịu tội khổ trong lục đạo lập ra nhiều phương tiện, làm cho họ được giải thoát hết rồi tôi mới thành Phật đạo’.
Trong đoạn kinh này chúng ta lại thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni kêu tên Ngài ‘Văn Thù Sư Lợi’, không thể coi thường đoạn kinh văn này, chẳng thể sơ ý. ‘Trưởng Giả’ làm gương tốt, làm mô phạm cho chúng ta, khuyên chúng ta phát tâm, ông nghe Phật dạy xong liền giác ngộ, quay về, và phát đại nguyện. ‘Ngã kim tận vi lai tế, bất khả kế kiếp’, đây là một thời gian dài, chẳng phải thời gian ngắn, những kiếp tận đời vị lai, nói cách khác thời gian vĩnh hằng, vô cùng vô tận. ‘Vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh’, hoàn toàn tiếp nhận lời dạy của Phật vì chúng sanh khổ nạn, hết thảy chúng sanh tạo tác nhiều nhân khổ nhưng họ không biết, lúc quả khổ hiện tiền thì hối hận không kịp, đến lúc đó thì trở tay không còn kịp nữa. Trưởng Giả Tử phát tâm này, chính là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ngày nay chúng ta đọc đến đoạn kinh này, có thể phát tâm này không? Nếu có thể phát tâm này thì chúng ta sẽ đạt được lợi ích chân thật nơi kinh Ðịa Tạng. Ðời sống của chúng ta khổ, phải nghĩ đến những người khác trên thế gian này còn khổ hơn mình, chúng ta không sợ khổ, vì có khổ nên chúng ta mới thể hội đến hết thảy chúng sanh khổ. Nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh rất giàu sang, khi người ta nói khổ thì mình chẳng thể hội được, chỉ khi mình đã từng trải qua sự khổ này rồi mới biết khổ là gì, tâm giúp đỡ khổ nạn chúng sanh mới thiết tha. Nếu chưa từng trải qua khổ nạn, bạn muốn ‘vì khổ nạn chúng sanh’ nhưng chẳng thể nào thể hội được cái tâm ấy.
Thế nên Phật dạy chúng đệ tử: Một là ‘dùng Giới làm thầy’, hai là ‘dùng Khổ làm thầy’, đặc biệt là người xuất gia, sinh sống cực khổ tốt hơn, luôn thường ở trong tâm cảnh giác, một khi hưởng thọ thì không thể nào chẳng mê hoặc điên đảo được. Do đó nhất định phải hiểu, có phước, người xuất gia tu hành chân chánh nhất định sẽ có phước báo, phước báo đến thì đừng hưởng, nếu hưởng thì sẽ mê muội; khi phước báo đến thì phải chia sớt cho hết thảy tội khổ chúng sanh trong lục đạo hưởng, được vậy thì bạn thật sự độ khổ. Mấy bữa nay chúng ta giảng kinh Hoa Nghiêm đến đoạn đức Phật Tỳ Lô Giá Na xây dựng Hoa Tạng thế giới chẳng để tự hưởng thọ, mà cho hết thảy những Bồ Tát phá một phẩm Vô Minh, chứng một phần Pháp Thân ở mười phương sát độ có chỗ an thân lập mạng, có một đạo tràng tốt để tu hành, cung ứng cho họ hưởng dụng, Phật chẳng hưởng thọ. Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Ðà Phật xây dựng Cực Lạc Tịnh độ cũng chẳng phải cho Ngài hưởng thọ, mà để cung ứng cho hết thảy người niệm Phật ở mười phương thế giới vãng sanh về đó tu hành hưởng dụng, đâu có để cho mình hưởng thọ? Ðây đều làm ra hình tượng tốt nhất cho chúng ta thấy. Thế nên những tổ sư đại đức có phước báo to lớn xây dựng đạo tràng xong tự mình có hưởng thọ không? Chẳng có, tự mình ở trong phòng ‘phương trượng’[4], chỉ là một căn phòng nhỏ, phước báo dành cho hết thảy thanh chúng (đại chúng thanh tịnh) hưởng thọ, đây là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh. Chỉ cần là người chân chánh tu hành, nếu họ không có chỗ ở, khi họ đến nơi ấy chẳng bao giờ bị từ chối, chẳng khi nào không được tiếp đãi, thế nên mới gọi là ‘thập phương thường trụ’, ‘thập phương đạo tràng’, đâu có phải là vì danh văn lợi dưỡng của cá nhân. Phật dạy chúng ta, tự Ngài thị hiện làm gương cho chúng ta, một tí gì cũng chẳng giả dối, chúng ta nhìn thấy Ngài phát tâm, chẳng sợ thời gian dài, chẳng sợ công việc giáo học gian khổ.
‘Lập ra nhiều phương tiện, làm cho họ được giải thoát hết rồi tôi mới thành Phật đạo’, đây tức là nói: ‘Chúng sanh chẳng thành Phật, tôi chẳng thành Phật’ cho nên Ðịa Tạng Bồ Tát vĩnh viễn thị hiện ở quả vị Bồ Tát. Ngày nay chúng ta thấy lời nói trong kinh này, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều tham dự đạo tràng này, đều là do Ðịa Tạng Bồ Tát độ hóa, đã độ, đang độ. Ðã độ, đã thành tựu là chư Phật, Ngài còn ở quả địa Bồ Tát. Học trò đều đã thành Phật, thầy giáo còn là Bồ Tát, các chư Phật này đối với thầy không ai chẳng đội ơn. Ngày nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn tuyên dương pháp môn Ðịa Tạng, họ đến dự hội tức là báo ơn, đến làm ‘ảnh hưởng chúng’. Có pháp hội nào tất cả chư Phật đều đến tham gia? Chẳng có đạo lý như vậy. Trong pháp hội này hết thảy chư Phật đều đến đầy đủ, làm trang nghiêm đạo tràng, trang nghiêm pháp hội, trang nghiêm pháp môn này, làm cho hết thảy chúng sanh cảnh giác đến pháp môn này thù thắng khôn sánh, không học pháp môn này thì không được, là cơ sở của hết thảy chư Phật thành Phật, là căn bản của việc thành Phật. Nếu bạn muốn xả bỏ pháp môn này thì bạn chắc chắn sẽ không thành tựu. Niệm Phật, nói thật ra chắc chắn cũng chẳng thể vãng sanh. Cả đời hễ gặp đạo tràng vừa xây dựng xong mời tôi giảng kinh, bộ kinh đầu tiên tôi nhất định phải giảng là kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Có đất, chúng ta có mảnh đất, có đạo tràng là xây dựng cơ sở vật chất, Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh là xây dựng tâm địa, như vậy mới tương ứng. Khi đạo tràng được xây dựng, được khôi phục thì bộ kinh đầu tiên phải giảng là gì? Nhất định phải là Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh.
Dĩ thị ư bỉ Phật tiền lập tư đại nguyện, ư kim bách thiên vạn ức na-do-tha bất khả thuyết kiếp thượng vi Bồ Tát.
以是於彼佛前立斯大願。于今百千萬億那由他不可說劫尚為菩薩。
Ðã ở trước đức Phật đó mà lập đại nguyện như vậy nên đến nay đã ngàn vạn ức na-do-tha kiếp chẳng thể tính đếm mà vẫn còn làm Bồ Tát.
Ðây là việc chúng ta nên học tập. Thế Tôn nói ra nhân duyên của công án này, chúng ta phải thể hội dụng ý của Ngài sâu rộng vô hạn, việc giáo học của Ngài từ bi vô tận. Chúng ta biết rồi mới có thể làm theo, mới có thể nói đến việc báo ân, tri ân báo ân; nếu bạn lơ là niệm lướt qua, đoạn kinh này chẳng dài, sơ ý đọc qua thì chẳng có ích lợi.
Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 6