Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp
Từ tâm bất sát là bồi dưỡng, mở rộng tâm từ bi của bạn. Sau đó Phật dạy chúng ta ngay trong cuộc sống thường ngày phải tu mười nghiệp thiện.
Tịnh Nghiệp Tam Phước: Phước thứ nhất
“Từ tâm bất sát” là bồi dưỡng, mở rộng tâm từ bi của bạn. Từ bi chính là thương yêu. Người thế gian nói “yêu”, mọi người đều biết Kitô giáo nói “bác ái”.
Lịch sử của chúng ta sớm hơn Kitô giáo, theo cách nói của người phương tây, chí ít cũng sớm hơn 5.000 năm, nhưng nếu theo ghi chép của lịch sử Trung Quốc thì sớm hơn 1.000 năm.
Phật pháp vì sao không dùng từ “yêu”? Yêu là cảm tình cho nên mới đổi tên gọi khác là “từ bi”. Từ bi là có lý trí, yêu có lý tính, không phải yêu của cảm tình. Yêu của lý tính thì gọi là từ bi, việc này chúng ta cần phải nên hiểu. Phải bồi dưỡng tâm yêu thương, mở rộng tâm yêu thương một cách thanh tịnh và bình đẳng.
Sau đó Phật dạy chúng ta ngay trong cuộc sống thường ngày phải “tu mười nghiệp thiện”. Chúng ta nhất định phải tuân thủ mười nguyên tắc này.
Thứ nhất là “Thân nghiệp”. Thân nghiệp gồm:
“Không sát sanh”. Chúng ta không những không tổn hại tất cả chúng sanh, mà nếu như chúng ta khiến cho chúng sanh phiền não thì chúng ta có lỗi lầm. Chỗ nào Bồ Tát ở thì khiến cho tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Chúng ta phải nỗ lực mà học tập, phải đem nó làm cho được.
“Không trộm cắp”. Phạm vi không trộm cắp ở đây rất rộng lớn. Trên Kinh Phật đích thực phiên dịch là “bất dư thủ”. Vật, đồ vật đã có chủ, nếu người chủ không đồng ý thì chúng ta không thể lấy đi. Không những không thể lấy mang đi mà cũng không thể di động nó, vì nếu như bạn di dời nó, tuy là bạn chưa dùng đến nó, thế nhưng khi người chủ đến muốn tìm cũng tìm không được, bạn đã làm cho họ sanh phiền não, vậy thì cũng không được. Cho nên điều cấm giới này không dễ gì làm được. Người học Phật phải từ ngay chỗ này mà nỗ lực học tập làm theo.
“Không tà dâm”. Đây là đối với đồng tu tại gia. Người tu tại gia đều có chồng vợ, đều có hôn phối. Chồng vợ là đạo nghĩa, nhất định phải giữ lễ, giữ phép, có tình, có nghĩa, có ân, có đức. Đây đều là ba điều mà thân thể tạo tác nên Phật nêu ra cho chúng ta ba nguyên tắc quan trọng.
Thứ hai là “Khẩu nghiệp”. Lời nói thì rất dễ dàng phạm phải, cho nên Phật đã nói ra bốn điều.
“Không vọng ngữ”. Không vọng ngữ chính là không lừa gạt người khác.
“Không hai lời”. Hai lời chính là khiêu khích phải quấy.
“Không ác khẩu”. Ác khẩu chính là lời nói thô lỗ, làm cho người nghe rất là khó nghe, thậm chí còn sanh ra lỗi lầm.
“Không thêu dệt”. Thêu dệt là lời nói bóng bẩy, ngon ngọt, mê hoặc người khác. Hiện tại chúng ta xem thấy một số truyền hình, phim ảnh, ca múa, có lúc thì màu vàng, có lúc thì màu xám, loại này đều là thuộc về thêu dệt mà trong Phật pháp đã nói, khiến cho mọi người rất thích nghe, nhưng bên trong dạy người đều không phải là chánh pháp, đều là phá hoại đạo đức xã hội chứ không phải xây dựng. Cho nên những thứ này chúng ta cần phải nên ít tiếp xúc, chính mình càng không nên làm những việc này.
Thứ ba là ý nghiệp, chính là khởi tâm động niệm.
Trong ý nghiệp nhất định phải học “không tham, không sân, không si”. Thuận cảnh không sanh tâm tham ái, nghịch cảnh cũng không khởi tâm sân hận, đối với tất cả sự lý rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo, đó là trí tuệ, chính là không mê.
Tham-Sân-Si nhà Phật gọi là phiền não ba độc, vì tất cả ác pháp đều là từ tham-sân-si mà sanh ra. Chúng ta ngay trong lúc giảng giải thường hay vận dụng danh từ hiện đại, gọi là bệnh độc. Bệnh độc nghiêm trọng nhất gọi là tham-sân-si.
Nếu như bên trong có tham-sân-si, ngoài có mê hoặc của năm dục sáu trần, con người này làm sao có thể chịu nổi, làm sao mà không bị bệnh chứ? Không những thân bị bệnh mà y báo cũng tùy theo đó mà chuyển.
Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt, hoàn cảnh sinh hoạt cũng biến đi càng ngày càng xấu. Hiện tại các vị đều biết, đại hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại của chúng ta mỗi năm càng tệ đi. Đại hoàn cảnh sinh hoạt là địa cầu.
Hiện tại trong xã hội có rất nhiều người nói địa cầu này bệnh rồi. Địa cầu vì sao bệnh chứ? Bạn thấy khí hậu khác thường, tai nạn triền miên, hơn nữa tai nạn mỗi năm một nghiêm trọng hơn. Địa cầu này chân thật bệnh rồi. Địa cầu vì sao bệnh? Là tâm của chúng ta không tốt.
Trong tâm của chúng ta có tham-sân-si, cho nên thân có bệnh, hoàn cảnh đời sống cũng có bệnh, đúng như Phật pháp đã nói “đời ác năm trược”. Trước đây chúng ta đọc câu “đời ác năm trược” này không dễ gì cảm xúc được, vì thấy thế gian này rất đẹp mà sao Phật lại nói thế giới này là đời ác năm trược.
Ngày nay chúng ta đọc đoạn Kinh văn này mới sâu sắc cảm nhận được Thích Ca Mâu Ni Phật thật rất trác tuyệt, trí tuệ chân thật, vào ba ngàn năm trước Ngài đã biết được địa cầu của chúng ta bệnh rồi, chân thật là tướng năm trược hiện tiền.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 23