Tu hành cần phải lập nguyện, phát nguyện

Tu hành việc cần gấp phải làm chính là lập nguyện, phát nguyện. Cho nên chúng ta vừa xem thấy trong kinh văn, vừa mở đầu chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện.

Kinh văn: “Pháp Tạng Tỳ Kheo, thuyết thử kệ dĩ, nhi bạch Phật ngôn, ngã kim vi Bồ Tát đạo, dĩ phát vô thượng chánh giác chi tâm, thủ nguyện tác Phật tất linh như Phật”.

Dịch: Pháp Tạng Tỳ kheo nói bài kệ này rồi liền bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con nay tu hạnh Bồ Tát, đã phát tâm Vô thượng Chánh giác, giữ nguyện làm Phật, tất được như Phật.

Câu phía trước là văn tổng kết, “thuyết thử kệ dĩ” chính là nói mười câu kệ phía trước. Sau khi nói xong mười bài kệ, hướng đến Phật thỉnh pháp, bạn xem thử người ta dùng tâm trạng như thế nào? “Ngã kim vi Bồ Tát đạo”, không phải vì chính mình. Câu này chính là Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham trên kinh Hoa Nghiêm.

Thiện Tài mỗi lần tham phỏng thiện tri thức, trước tiên là hành lễ chí kính, sau khi chí kính xong thì là tán thán. Đây đều là thuộc về lễ tiết, hiển thị ra người là thiện tri thức đối với chính mình, tôn trọng đối với pháp, người Trung Quốc chúng ta gọi là “tôn sư trọng đạo”, biểu hiện trong nghi thức thỉnh pháp.

Nghi thức này rất quan trọng, đối phương xem thấy cử chỉ của bạn, lời nói của bạn, liền biết được bạn có thành ý tu học hay không. Nếu như bạn có thành ý tu học, họ nhất định sẽ nỗ lực giúp đỡ bạn. Nếu như thái độ của bạn biểu thị ngạo mạn, lời nói khéo léo không thật, ngôn ngữ ngôn từ rất đẹp, nói ra thì rất dễ nghe, thế nhưng người ta vừa nhìn thì biết bạn tuyệt nhiên không có thành ý. Vị thiện tri thức này đối với bạn cũng rất là khách sáo, rất lễ tiết, rất tán thán bạn nhưng không dạy bạn. Tại vì sao vậy? Dạy cũng là uổng phí, bạn không có thành ý học, cho nên người ta không dạy.

Do đó, nghi thức lễ kính hoàn toàn biểu thị tâm trạng cầu pháp của mình. Bạn nói xem, quan trọng cỡ nào!Có lẽ cũng có người hỏi, cái thứ này tôi chưa có học qua, tôi không biết. Không cần phải học, “thành ư trung”, trong tự nhiên “hành ư ngoại”. Người không có đi học, không có tri thức, lão ông lão bà dưới quê cả đời chưa đi ra bên ngoài, nhưng tâm thành kính của họ lưu lộ ở bên ngoài, vấn đề là bạn có tâm thành kính hay không? Thế gian người có học vấn, người có kiến thức vừa nhìn liền biết rõ, không cần phải hỏi. Người có đức hạnh của thế gian đều có thể thấy ra được, huống hồ Phật Bồ Tát,bạn làm sao có thể giấu được họ?

Thiện Tài sau khi lễ kính, câu nói thứ nhất liền trần thuật nguyện vọng của chính mình. Ngài nói, con đã phát tâm Bồ Đề, không biết phải làm thế nào tu Bồ Tát đạo, học Bồ Tát hạnh? Đó mới là thỉnh cầu thiện tri thức từ bi khai thị. Việc thứ nhất bạn phải phát tâm. Tâm bạn không phát thì chính là bạn không có chí, tu học của bạn không có phương hướng, không có mục tiêu, không có tông chỉ, vậy người ta nói với bạn cái gì? Nhất định là trước tiên trần thuật chính mình đã phát tâm đại Bồ Đề.

Mười bài kệ phía trước của Tỳ Kheo Pháp Tạng chính là tường thuật Ngài đã phát tâm vô thượng Bồ Đề, chính mình tu hành đã có thành tựu rồi. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát đạo. Đạo Bồ Tát là chỉ độ chúng sanh, không vì chính mình, vì Phật pháp cửu trụ thế gian, vì thay thế chư Phật Như Lai phổ độ chúng sanh, đây chính là vì Bồ Tát đạo. Chỗ này là then chốt tu học thành bại của chúng ta.

Chúng ta cũng tu hành không chỉ ở đời này, kiếp này. Đồng tu học Phật đều có thể tiếp nhận là người có đời quá khứ, có đời vị lai, quá khứ vô thỉ, chúng ta chọn lời trên kinh Phật là “lũy kiếp tu hành”. Lũy kiếp tu hành đến ngày nay vẫn là như thế này, nguyên nhân này do đâu? Ngay trong đời quá khứ có rất nhiều bạn cùng tu học với chúng ta, bạn cùng chí hướng, họ đều đã thành Phật, đều làm Bồ Tát, đều siêu việt mười pháp giới, chúng ta vẫn đang luân hồi sáu cõi là tại vì sao? Điều này chúng ta không thể không biết.

Chúng ta thực tế là mê hoặc điên đảo, khởi tâm động niệm là tự tư tự lợi, đều làm những việc tổn người mà không lợi mình. Chúng ta lầm tưởng rằng tổn người là có thể lợi mình, làm gì biết được tổn người quyết định không lợi mình, lợi người mới là lợi mình. Có mấy người hiểu được đạo lý này? Chư Phật Bồ Tát, tổ sư đại đức hết lời khuyên bảo dạy dỗ chúng ta, chúng ta nghe không lọt lỗ tai, không hề nghe hiểu, đương nhiên từ trước đến giờ chưa có khi nào y giáo phụng hành, vẫn là tùy thuận phiền não tập khí của chính mình. Đây chính là tuy đã lũy kiếp tu hành mà vẫn cứ phải luân hồi sáu cõi, không thể ra khỏi.

Chúng ta ở chỗ này xem thấy Pháp Tạng “dĩ phát vô thượng chánh giác chi tâm”. “Phát” chính là phát nguyện. Mục đích của người ta là một lòng một dạ phải làm Phật, “thủ nguyện tác Phật”, đây chính là thành tựu phát tâm vô thượng. Chúng ta không có chí khí này.

Ở Trung Quốc, trong các đại đức về trước, chúng ta chỉ xem thấy ở trong Đàn Kinh, Ngài Đại sư Huệ Năng đến Hoàng Mai tham phỏng, Ngũ tổ hỏi Ngài:“Ông đến đây làm gì? ”. Ngài nói: “Con đến làm Phật”, cho nên Ngài liền thành Phật, như nguyện để thưởng. Ngày nay chúng ta đến đạo tràng này để làm cái gì? Từ trước đến giờ chưa từng nghe có người nói qua là chúng tôi đến đạo tràng này để làm Phật, cho nên không làm được. Bạn không có ý làm Phật, bạn không có nguyện vọng làm Phật. Vì vậy cổ đức mới nói “tu hành cấp vụ”, tu hành việc cần gấp phải làm chính là lập nguyện, phải phát nguyện.

Cho nên chúng ta vừa xem thấy trong kinh văn, vừa mở đầu chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện, phía sau trong khoa đề nhỏ là “học pháp môn, đoạn phiền não, thành Phật đạo, độ chúng sanh”. Chúng ta đổi một câu dễ hiểu hơn để nói, bạn phải phát tâm thương yêu tất cả chúng sanh, tận tâm tận lực vô điều kiện giúp đỡ tất cả chúng sanh, đây chính là tâm vô thượng chánh giác.

Nếu như khởi tâm động niệm vẫn vì chính mình, ta cũng vì người khác nhưng vẫn chưa quên đi chính mình là bạn trong giác vẫn còn mê, bạn vẫn chưa hoàn toàn giác ngộ, bạn không phải chánh giác. Chân thật giác ngộ phải đem mê tình đoạn tận mới được.

Cái gì là mê tình? Ngã, tự tư, đó là mê tình. Ngã không có, tư tâm không có, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sanh thì tâm của bạn mới xem là giác ngộ. Giác ngộ mới có thể được độ. Cái được độ này chính là nói bạn mới có thể cứu độ chính mình, bạn mới có thể giúp đỡ người khác. Cái gì nói cứu chính mình? Không còn luân hồi nữa. Công phu đó nếu cao hơn một tầng thì không còn ở mười pháp giới, đó là vọng tưởng, phân biệt của bạn đã đoạn tận.

Sau khi đoạn tận, chúng ta muốn hỏi là còn có phân biệt, còn có chấp trước hay không? Cái thân thể này của chúng ta vẫn chưa rời khỏi thế gian này, còn cùng sống chung với đại chúng ở một nơi, cùng qua lại với mọi người, làm sao có thể không phân biệt, làm sao có thể không chấp trước? Nếu bạn quả nhiên không phân biệt, không chấp trước, thì còn có thể xem là một người hay sao? Người ta hỏi bạn “anh là ai” mà bạn không biết thì thành ra thứ gì chứ?

Bạn tên gọi là gì mà cũng không hề biết thì không được. Không biết cũng là một chấp trước, cũng là phân biệt, bạn còn có thể lìa khỏi phân biệt chấp trước hay sao? Phải như Đại sư Vĩnh Gia đã nói, sau khi giác ngộ thì “phân biệt diệc phi ý”, vậy thì đúng. Bạn nói Phật có phân biệt hay không? Nếu Phật không phân biệt thì làm sao có thể giảng kinh cho bạn nghe? Không phân biệt thì không thể giảng kinh, không chấp trước thì không thể giảng giới, cho nên Phật cũng phân biệt, Bồ Tát cũng chấp trước, thế nhưng các Ngài phân biệt không phải là ý.

Không phải là ý nghĩa là gì? Không phải chính mình phân biệt, chấp trước. Không phải chính mình phân biệt, chấp trước thì làm sao mà phân biệt chấp trước? Người khác họ phân biệt chấp trước, ta tùy thuận phân biệt chấp trước của họ, trong lòng của chính ta đích thực là không có phân biệt chấp trước, như vậy thì đúng rồi. Đây là người Trung Quốc chúng ta gọi là “hòa quang hồng trần”, Thế Tôn nói trong Tứ Nhiếp Pháp là “đồng sự nhiếp”, chúng ta phải hiểu rõ cái đạo lý này. Chính mình đích thực không có phân biệt, không có chấp trước.

Chúng ta muốn học Bồ Tát, cái phân biệt chấp trước đó là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Đạo lý này phải hiểu. Đặc biệt là ở vào thời đại này, chúng ta chính mình cần phải đem đời sống vật chất chính mình điều chỉnh đến mức độ thấp nhất. Cái gọi là ba bữa cơm được no, quần áo mặc được ấm, có một cái phòng nhỏ có thể che được mưa nắng là đủ rồi. Hưởng thụ trên vật chất phải hạ xuống đến mức thấp nhất, đời sống tinh thần nâng lên cao.

Đời sống tinh thần có thể nâng lên giống như chư Phật Bồ Tát, đây chính là người giác ngộ. Người thế gian không giác ngộ, họ hoàn toàn tương phản, đời sống vật chất của họ không ngừng nâng lên cao, trải qua xa xỉ hào hoa, nhưng đời sống tinh thần thì hoàn toàn trống rỗng. Nhiều nhất là dùng ca vũ để điều tiết, đó là những liều thuốc mê, là chất độc, không hề có đời sống tinh thần. Chỗ này trong kinh Phật thường gọi là “kẻ đáng thương”, loại người này rất đáng thương, sau khi thọ mạng hết rồi thì đi vào ác đạo.

Khi còn ở đời không có trí tuệ, không biết tu phước, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp, sau khi chết đọa vào ba đường ác, như vậy ý nghĩa Phật gọi là kẻ đáng thương ở trên kinh chúng ta mới có thể thể hội được, chân thật là đáng thương. Chỉ có chân thật giác ngộ mới chịu đoạn ác tu thiện, mới chịu tích công bồi đức, vĩnh thoát luân hồi, liễu thoát sanh tử. Người thông minh, người giác ngộ thì lấy Phật làm tiêu chuẩn tu học của chính mình, hướng đến Phật học tập, hướng đến Bồ Tát học tập. Phải học được cho giống.

Phía sau này nói “tất linh như Phật” chính là học được rất giống, mọi thứ đều giống như Phật, khởi tâm động niệm giống như Phật, lời nói giống như Phật, đời sống giống như Phật, làm việc giống như Phật, đối nhân xử thế tiếp vật mọi thứ đều giống như Phật. Học Phật mà học không giống như Phật thì học sai rồi, như vậy thì không phải đang học Phật.

Phật từ bi. Từ bi, dùng lời hiện đại mà nói chính là lòng yêu thương. Phật có lòng yêu thương, yêu tất cả chúng sanh, vĩ đại hơn thần nhiều. Bạn xem tôn giáo bên ngoài nói rằng “thần ái thế nhân”, động vật thì không có yêu, thực vật cũng không có yêu, cho nên phá hoại hết hoàn cảnh sinh thái tự nhiên của địa cầu, họ chỉ có yêu người.

Bạn xem, Phật vĩ đại dường nào! Phật từ bi tất cả, thương yêu tất cả chúng sanh. Chỗ này chúng ta cần phải học. Xem những ghi chép trong kinh điển, hành trì cả đời của Thế Tôn, đối nhân xử thế tiếp vật, không chỉ thương yêu đối với tất cả động vật mà thực vật cũng thương yêu. Trên giới kinh Phật giảng cho chúng ta là “Tỳ Kheo thanh tịnh không đạp lên cỏ non”.

Bạn thấy cỏ mọc lên rất là xanh tốt, bạn nhẫn tâm dùng chân mà đạp lên trên đầu chúng đi qua hay sao? Thế nhưng có khai duyên, không có đường khác để đi, không đi qua đó thì không được thì có thể đi qua. Nếu có đường đi thì bạn nhất định phải men theo đường mà đi, bạn không được đạp lên cỏ non. Đây là nói rõ đối với thực vật, khoáng vật phải có sự thương yêu bình đẳng. Sau khi có tâm yêu thương thì bạn mới có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh, thành thục chúng sanh, đó mới gọi là học Phật.

Học Phật phải có trí tuệ. Trí tuệ từ do đâu mà có? Ở trong giai đoạn hiện tiền này của chúng ta, nguồn gốc của trí tuệ chỉ có một biện pháp là nghe kinh, niệm Phật. Nghe kinh không niệm Phật thì khai trí tuệ rất chậm, niệm Phật không nghe kinh thì khai trí tuệ cũng chậm. Nghe kinh cùng niệm Phật hợp lại thì khai trí tuệ liền nhanh.

Thí dụ nói, bạn không làm theo như vậy thì bạn khai mở trí tuệ phải mười năm, nghe kinh khai trí tuệ cũng phải mười năm, niệm Phật khai trí tuệ cũng phải mười năm, nhưng một mặt nghe kinh lại một mặt niệm Phật thì năm năm thì khai trí tuệ, khai trí tuệ sớm hơn. Các vị phải nên biết, niệm Phật là tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh liền được chư Phật Bồ Tát gia trì, tâm thanh tịnh liền được Tam Bảo gia trì, làm sao mà bạn không khai trí tuệ? Người không có trí tuệ luôn luôn là chính mình làm sai sự việc mà chính mình không biết, còn cho là mình làm việc tốt, còn cho là mình làm được rất nhiều công đức, làm gì biết chính mình đang tạo nghiệp. Đây chính là ngu si.

Ý nghĩa của ngu si là không thể phân biệt được chân vọng, đem cái thật làm thành giả, đem cái giả làm thành thật, không thể phân biệt tà chánh, đem tà pháp xem thành chánh pháp, chánh pháp xem thành tà pháp, thiện ác điên đảo, lợi hại điên đảo. Đối với thị phi thiện ác, lợi hại không thể phân biệt, loại người này rất nhiều. Sợ nhất là cái gì? Chính mình ngu si, chính mình không có cái năng lực để phân biệt này.

Có mấy người chính mình có thể rất bình lặng mà phản tỉnh suy xét? Thế xuất thế pháp, chân vọng, tà chánh, phải quấy, thiện ác, lợi hại, chính ta có năng lực phân biệt được hay không? Nếu như chính mình không có năng lực phân biệt thì đi tìm Phật. Phật ở đâu vậy? Phật ở trong kinh điển, đi tìm Phật là đọc kinh, xem thử Phật làm như thế nào, Phật nghĩ như thế nào? Chúng ta tỉ mỉ mà quán sát, tỉ mỉ mà thể hội, buông bỏ đi vọng tưởng, phân biệt của chính mình, tùy thuận theo giáo huấn của Phật. Đó là trước khi chúng ta chưa khai trí tuệ, chưa phân biệt tà chánh phải quấy, để tránh khỏi tạo tác tất cả ác nghiệp, tích công bồi đức thì chỉ có một phương pháp này. Cho nên người xưa thường nói: “Kinh không thể không đọc, pháp không thể không học”, đạo lý chính ngay chỗ này.

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 87

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!