Ức hiếp người thiện lương, dối gạt kẻ ngu là tạo ác

Ức hiếp người thiện lương khiến họ trở thành ty tiện, dối gạt kẻ ngu. Hai câu này, trong xã hội hiện đại của chúng ta hầu như rất thường thấy.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên, đoạn thứ 102: “Áp lương vi tiện. Man mạch ngu nhân.” (Chèn ép người lành, khiến họ trở thành ty tiện. Dối gạt kẻ ngu). Hai câu này, trong xã hội hiện đại của chúng ta hầu như rất thường thấy. Đây là hai câu cuối cùng của phần “Việc ác do không có lòng nhân hậu, khoan dung”.

Chúng ta đọc Cảm Ứng Thiên đến đoạn này thì có cảm nhận sâu sắc về nỗi đáng sợ do tạo tác ác nghiệp mà cảm lấy quả báo trong xã hội hiện nay. Vì sao đại chúng thông thường trong xã hội hiện nay đối với việc tạo ác lại xem thành bình thường, mảy may ý niệm cảnh giác đều không có? Hầu như xem việc tạo tác ác nghiệp là chuyện bình thường, thỉnh thoảng làm việc thiện sẽ khiến cho đại chúng cảm thấy kỳ lạ, hình như đó là bất thường. Hiện tượng này nhất định không phải là hiện tượng tốt.

Từ đây có thể biết, xã hội hiện nay ở Trung Quốc và nước ngoài đều giống nhau, tiêu chuẩn của thiện ác không còn nữa. Nói cách khác, con người không biết thế nào là thiện, thế nào là ác, cho ác là thiện, cho thiện là ác, việc thiện không chịu làm, còn nghiệp ác thì tranh nhau đi làm, cho nên thế giới mới có ngày tận thế, tiền đồ không khả quan.

Các nhà tôn giáo phương Tây nói: Cuối thế kỷ này là ngày tận thế. Ngày tận thế, các vị nên biết không phải là năm 1999 mà là năm nay. Thế kỷ hai mươi mốt bắt đầu tính từ năm tới. Khi tính toán, bạn tính từ một đến một ngàn mới là số chẵn, bạn không thể tính đến chín trăm chín mươi chín. Năm nay mới thật sự là năm tận cùng của thế kỉ, khả năng có tai nạn hay không? Chúng ta lấy Cảm Ứng Thiên đối chiếu một chút thì trong tâm sẽ hiểu rõ.

Vì sao tiêu chuẩn của thiện ác bị mất đi? Phật ở trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay, Phật nói: “Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã”. Phật nói những câu này vô cùng đau xót, vô cùng khéo léo, cũng nhắc nhở cho chúng ta lấy đây làm cảnh giác.

“Tiên nhân vô tri” là nói thế hệ trước, người thế hệ trước chỉ xem trọng tranh danh đoạt lợi mà quên đi việc dạy học, đương nhiên là người người đều chạy theo danh văn lợi dưỡng, cổ động cạnh tranh. Điều này đi ngược lại với giáo dục.

Trung Quốc mấy ngàn năm nay, cổ Thánh tiên Hiền, chư Phật Bồ-tát đều dạy người nhẫn nhường, đều dạy người nhượng bộ, không dạy người cạnh tranh. Cho nên dạy người cạnh tranh là phản giáo dục. Cạnh tranh chính là ác niệm, ác hạnh, nói cách khác là đề xướng giáo dục ác niệm ác hạnh, chèn ép giáo dục thiện niệm thiện hạnh xuống. Điều này còn ra thể thống gì nữa chứ?

Thánh Hiền thế xuất thế gian đều dạy chúng ta: trồng thiện nhân mới được thiện quả, tạo ác nghiệp thì nhất định cảm lấy ác báo. Ngày nay là xã hội gì vậy? Chúng ta lại quay đầu nghĩ xem chính mình, chủ tâm của mình là gì? Có phải là ngày ngày cạnh tranh trong xã hội không từ bất kỳ thủ đoạn nào để cạnh tranh hay không? Ngày nay giáo dục gia đình không còn nữa, giáo dục xã hội cũng không còn, giáo dục nhà trường cũng không có, hơn nữa giáo dục ở cả ba môi trường này đều là phản giáo dục. Cái xã hội này còn có tiền đồ hay không?

Pháp sư Khai Tâm mà các bạn rất kính ngưỡng đã vãng sanh ở Đài Nam rồi. Tôi nghe các đồng tu bên đó nói trước khi vãng sanh, Ngài nói bầu trời trên không của Đài Loan toàn là mây đen bao trùm. Đài Loan thì như vậy, ngày nay toàn thế giới, toàn bộ trái đất đều bị bao trùm bởi màu đen tối. Trí huệ là quang minh, tham sân si là đen tối. Chúng ta nghĩ xem có mấy người thật sự dập tắt tham-sân-si để siêng năng tu giới-định-huệ chứ? Giới-định-huệ sẽ phát quang minh, còn tham-sân-si tỏa ra khí đen. Vấn đề này vô cùng nghiêm trọng, ở ngay trước mắt chúng ta.

Mười ba năm trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã vãng sanh. Trước khi vãng sanh một ngày, Ngài nói với các học trò: Thế gian này đã loạn rồi, Phật Bồ-tát và thần tiên có hạ phàm cũng không cứu nổi. Ngài nói cho chúng tôi con đường sống duy nhất là thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Việc này đã qua mười mấy năm rồi, hiện nay nhìn thấy xã hội này, nhớ lại câu nói này của lão sư Lý thì hoàn toàn ứng nghiệm. Chúng ta ngoài việc niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ ra thì còn có cách nào tốt hơn không? Phát tâm đại từ bi giúp đỡ xã hội này cũng chỉ là cố gắng làm hết sức, còn việc có thành hay không thì phải nghe theo mệnh trời mà thôi. Làm sao có thể không bi thương chứ?…

Trích đoạn trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 113

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!